Trong cuộc gặp diễn ra tại Washington, ông Tillerson và ông Dương Khiết Trì, quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc, khẳng định tầm quan trọng của “tiếp xúc cấp cao thường xuyên” giữa hai nước, đồng thời bàn về chương trình hạt nhân của Triều Tiên - theo tuyên bố.
Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn lời ông Dương Khiết Trì nói rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ “để tăng cường trao đổi ở tất cả các cấp từ trên xuống” và mở rộng liên lạc và phối hợp về các vấn đề khu vực và toàn cầu, song song với tôn trọng “những lợi ích cốt lõi và những mối quan tâm lớn của nhau”.
“Điều này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững, đều đặn và lành mạnh của quan hệ Mỹ-Trung, mang lại lợi ích cho người dân không chỉ của hai nước mà trên toàn thế giới”, Tân Hoa Xã dẫn lời ông Dương Khiết Trì.
Cuộc gặp Tillerson-Dương Khiết Trì là cuộc trao đổi Mỹ-Trung mới nhất nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sau một khởi đầu kém suôn sẻ sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Từ trước và sau khi trúng cử, ông Trump thường xuyên chỉ trích Trung Quốc về hàng loạt vấn đề, từ thương mại, tỷ giá cho tới biển Đông và Triều Tiên.
Hôm thứ Hai, ông Dương Khiết Trì, người có cấp bậc cao hơn Ngoại trưởng Trung Quốc, đã có cuộc gặp tại Nhà Trắng với ông Trump. Một quan chức Chính phủ Mỹ tiết lộ rằng trong cuộc gặp, hai bên đã trao đổi về các vấn đề an ninh và khả năng diễn ra một cuộc gặp giữa ông Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói ông Dương Khiết Trì đã mời ông Tillerson thăm Bắc Kinh và ông Tillerson đã bày tỏ mong muốn đến thăm thủ đô của Trung Quốc.
Chuyến thăm Washington của ông Dương Khiết Trì diễn ra sau một cuộc điện đàm giữa ông và ông Tillerson vào tuần trước. Trong cuộc điện đàm, hai bên cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của một mối quan hệ Mỹ-Trung mang tính xây dựng.
Chuyến thăm cho thấy hai cường quốc đang nỗ lực cải thiện quan hệ. Ngoài những lời chỉ trích, vào tháng 12 năm ngoái, ông Trump còn khiến Bắc Kinh “khó chịu” khi có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, nói rằng Washington không nhất thiết phải duy trì chính sách “một Trung Quốc”. Sau đó, trong một cuộc điện đàm với ông Tập, ông Trump nhất trí sẽ tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”.
Sau khi vấn đề chính sách “một Trung Quốc” lắng xuống, thì vấn đề Triều Tiên lại nổi lên thành một nguồn căng thẳng chính trong quan hệ Mỹ-Trung. Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters vào tuần trước, ông Trump gây sức ép đối với Trung Quốc trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ông cho rằng Bắc Kinh có thể giải quyết vấn đề này “rất dễ dàng nếu họ muốn”.
Hôm thứ Sáu, Trung Quốc bác bỏ những gì Trump nói, cho rằng mấu chốt của vấn đề là tranh cãi giữa Washington và Bình Nhưỡng. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng liên tục kêu gọi tổ chức lại đàm phán giữa Bình Nhưỡng và các cường quốc.