Tờ Daily Express (Anh) ngày 31/10 đưa tin Hải quân Mỹ đã “thiết kế” kế hoạch để Lực lượng Bảo vệ Bờ biển (USCG) kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực này tiếp tục gia tăng.
Theo tờ báo, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, USCG được triển khai khả năng này. Theo đó, USCG sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung với các đối tác trong khu vực. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Asia Times, Đô đốc Karl Leo Schultz, chỉ huy USCG, nói: “Có những cuộc thảo luận đang diễn ra, những nỗ lực lập kế hoạch liên tục để hỗ trợ cho các hoạt động của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDO-PACOM) ở Biển Đông… Chúng tôi đã hợp tác trong đào tạo cho các đồng minh để tăng cường an ninh trong khu vực. Chúng tôi tập trung sâu sắc vào những đối tác tương tự, xây dựng một cách tiếp cận khu vực.”
Trong chuyến thăm Manila vào tháng 10/2019 để giám sát cuộc tập trận Sama-Sama, Đô đốc Karl Leo Schultz cũng nhắc lại rằng việc triển khai USCG. Ông nói: “Để đối phó với các hành vi cưỡng ép và đối kháng của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp, Cảnh sát biển Mỹ đề xuất sự can dự và hợp tác minh bạch ở cả cấp độ chuyên nghiệp và cá nhân.”
Động thái này là một phần trong phản ứng tiếp theo của Nhà Trắng nhằm mạnh mẽ chống lại việc Bắc Kinh sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng dân quân biển để chiếm giữ các thực thể và tài nguyên ở vùng biển tranh chấp.
Trước đó, Lầu Năm góc tuyên bố coi các tàu bán quân sự và bảo vệ bờ biển (hải giám) của Trung Quốc là “cánh tay” của Hải quân Trung Quốc - có nghĩa là Mỹ sẽ áp dụng các quy tắc can dự quân sự để chống lại lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng dân quân Trung Quốc. Đây là chuyển biến đáng chú ý của Mỹ.
Trong dấu hiệu thể hiện sự ủng hộ của Anh đối với chính sách Biển Đông của Tổng thống Trump, Bộ Quốc phòng Anh đã tuyên bố tàu sân bay mới HMS Queen Elizabeth sẽ lần đầu tiên được triển khai tác chiến trong nhiệm vụ hải quân chung giữa Mỹ-Hà Lan-Anh ở Biển Đông năm 2021.