Mỹ tính lại kế hoạch bắn hạ tên lửa Triều Tiên

Cao Lực |

Cơ quan vật lý lớn nhất thế giới hôm 19-9 thừa nhận báo cáo được họ công bố cách đây 7 tháng chứa những sai sót liên quan đến tính khả thi của kế hoạch bắn hạ tên lửa Triều Tiên.

Hiệp hội Vật lý Mỹ (APS) ngày 19-9 thừa nhận báo cáo được họ công bố cách đây 7 tháng chứa những sai sót liên quan đến mức độ hiệu quả của kế hoạch bắn hạ tên lửa Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Hiệp hội Vật lý Mỹ (APS) ngày 19-9 thừa nhận báo cáo được họ công bố cách đây 7 tháng chứa những sai sót liên quan đến mức độ hiệu quả của kế hoạch bắn hạ tên lửa Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Trước đó, vào tháng 2, Hiệp hội Vật lý Mỹ (APS) đã công bố báo cáo dài 54 trang nhằm đánh giá mức độ khả thi của một kế hoạch ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa. Báo cáo kết luận nỗ lực sử dụng máy bay không người lái để bắn hạ tên lửa của Triều Tiên như đề xuất sẽ gặp phải "những thách thức rất lớn".

APS đã trình báo cáo lên Quốc hội Mỹ và các quan chức trong chính quyền Tổng thống Joe Biden. Theo báo The New York Times, APS từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp chỉ dẫn về vũ khí tối tân cho các nhà hoạch định chính sách quốc phòng.

Ba tháng sau khi được công bố, báo cáo đã bị APS gỡ khỏi trang web của họ. APS giải thích trong một ghi chú trực tuyến rằng báo cáo đang được các tác giả xem xét và sẽ được "đăng lại" khi có thể.

Theo nhóm khoa học gia đề xuất ý tưởng bắn hạ tên lửa bằng máy bay không người lái, nguyên nhân báo cáo bị gỡ là do sai sót trong khâu phân tích kỹ thuật của APS đối với ý tưởng này.

Lỗi kỹ thuật được phát hiện bởi ông Richard Garwin, người đứng đầu nhóm đề xuất ý tưởng và ông Theodore Postol, đồng nghiệp của ông Garwin.

Biểu đồ của APS cho thấy máy bay không người lái phải bay qua lãnh thổ đất liền của Triều Tiên hoặc một khu vực thuộc ven biển của nước này để đánh chặn tên lửa nhằm vào Boston, New York hoặc Washington. Ở những địa điểm như vậy, máy bay không người lái có thể bị Triều Tiên bắn hạ.

Tuy nhiên, hai nhà khoa học trên phát hiện ra rằng APS đã sử dụng sai vận tốc đánh chặn để tính toán: Dưới 4 km/giây, thay vì 4,98 km/giây.

Đối với một chuyến bay đánh chặn kéo dài 195 giây, vận tốc đánh chặn 4,98 km/giây sẽ cho phép máy bay tiếp cận tên lửa ở vùng biển cách xa điểm tính toán của APS hơn 160 km, tức giảm đáng kể nguy cơ bị bắn hạ.

Theo Chủ tịch Frances Hellman của APS, việc công bố phiên bản chỉnh sửa của báo cáo có thể mất một năm kể từ thời điểm báo cáo được công bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại