HIMARS gây ra nhiều khó khăn cho các lực lượng Nga ở Ukraine. Ảnh: Reuters
Đợt huấn luyện mở rộng dự kiến tập trung vào chiến thuật tác chiến cấp cao nhằm kết hợp hiệu quả các lực lượng vũ trang – phối hợp chặt chẽ giữa bộ binh, pháo binh, xe thiết giáp và không quân nhằm đảm bảo mỗi nhóm được củng cố và được bảo vệ bởi nhóm khác.
Trong khuôn khổ của đợt huấn luyện dự kiến bắt đầu vào tháng 1-2023, các huấn luyện viên quân sự Mỹ sẽ đào tạo mỗi tháng một tiểu đoàn Ukraine (500-800 binh sĩ), người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder cho biết.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2, các lực lượng Mỹ đến giờ huấn luyện mỗi tháng khoảng 300 binh sĩ Ukraine, tập trung vào nội dung hướng dẫn sử dụng các hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ. Trong số này có 610 binh sĩ Ukraine được đào tạo vận hành HIMARS (Hệ thống Pháo phản lực Cơ động cao).
Lầu Năm Góc cho biết thêm các nước đồng minh đến giờ đã huấn luyện tổng cộng 12.000 binh sĩ Ukraine, chủ yếu là tân binh đến Anh để được đào tạo cơ bản về pháo kích.
Các quốc gia khác, bao gồm Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Lithuania, Hà Lan, New Zealand, Na Uy và Thụy Điển cũng đã tham gia huấn luyện binh sĩ Ukraine sau khi Anh yêu cầu hỗ trợ.
Kế hoạch huấn luyện mới sẽ diễn ra tại một căn cứ của Lục quân Mỹ ở Grafenwoehr – Đức, nơi Lầu Năm Góc tiến hành chương trình huấn luyện kết hợp các lực lượng vũ trang của riêng họ.
Kể từ 2015 đến đầu năm nay, Mỹ đã đào tạo hơn 27.000 binh sĩ Ukraine tại Trung tâm Huấn luyện Tác chiến Yavoriv ở phía Tây Ukraine, gần TP Lviv, giới chức Lầu Năm Góc cho biết. Washington đã rút 150 chuyên gia huấn luyện quân sự trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Tổng thống Zelensky: Ukraine là quốc gia duy nhất trả giá
Kiev không còn lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu để tái thiết lập các đường biên giới quốc gia 1991, bởi vì thế giới không đảm bảo an ninh cho Ukraine và Ukraine là quốc gia duy nhất trả giá vì xung đột, Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định trong bài phỏng vấn được báo The Economist công bố hôm 15-12.
Đưa tình hình trở lại trạng thái trước khi xung đột nổ ra là nhiệm vụ bất khả thi bởi "không ai hiểu đảm bảo an ninh là gì", Tổng thống Zelensky nhấn mạnh.
"Nhưng cả thế giới không đến, như chúng ta đã thấy. Ukraine đã từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy đảm bảo an ninh. Những đảm bảo này có phát huy tác dụng không? Không" – nhà lãnh đạo Ukraine bày tỏ.
"Tại sao Ukraine một mình phải trả một cái giá cao như vậy? Chúng tôi cảm kích những nước ủng hộ chúng tôi nhưng chúng tôi là những người duy nhất đang trả giá" – Tổng thống Zelensky khẳng định, theo đài RT.