Mỹ tin S-400 chỉ đứng nhìn khi Tomahawk tấn công Syria

Thùy Dung |

Cùng với lý do Nga đưa ra, Mỹ có thể tin rằng hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga sẽ chỉ đứng nhìn khi Tomahawk tấn công Syria.

S-400 đứng nhìn

Sau khi chiến hạm Aegis Mỹ từ Địa Trung Hải đồng loạt phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat, tỉnh Homs của Syria sáng 7/4 (giờ Việt Nam), Mỹ tuyên bố rằng, kế hoạch tấn công này đã được tính kỹ lưỡng nhằm khiến nỗ lực phát hiện và đánh của Syria và lực lượng đồng minh thành vô nghĩa.

Theo chuyên gia quân sự Dan Lamothe, tên lửa Tomahawk là một phần không thể thiếu trong các cuộc chiến Mỹ tham gia, kể từ Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Năm 2014, tàu chiến USS Philippines Sea và USS Arleigh Burke Mỹ đã phóng 47 tên lửa Tomahawk tấn công các mục tiêu của nhóm khủng bố Khorasan được cho là có liên hệ với al-Qaeda ở Syria.

Ưu điểm lớn nhất của Tomahawk là không đòi hỏi tàu chiến Mỹ phải tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách nguy hiểm. Chúng có thể phóng đi từ khu trục hạm cách xa mục tiêu tới 1.600 km, khoảng cách đủ an toàn cho tàu mẹ trước tên lửa diệt hạm của đối phương và khiến phía bị tấn công không kịp trở tay.

Trong khi đó, Chris Harmer, chuyên gia quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh thì cho rằng, trước khi phát động tấn công Syria bằng Tomahawk, Mỹ đã tính đến khả năng dùng máy bay tác chiến điện tử EA-18G cùng một số phương tiện tác chiến điện tử khác để vô hiệu radar cảnh báo tên lửa tại Syria.

Tuy nhiên, cuối cùng phương án này đã bị loại bỏ bởi khả năng "tàng hình" của phiên bản mới của Tomahawk mà Mỹ sử dụng đủ tạo nên điều bất ngờ với lực lượng phòng không tại Syria. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Lầu Năm Góc còn xác nhận đã sử dụng một đường dây nóng để báo trước cho Nga về cuộc tấn công nhằm vào Syria bằng loạt hơn 50 tên lửa hành trình.

"Các lực lượng của Nga đã được thông báo trước về cuộc tấn công, thông qua đường dây nóng được sử dụng để giảm thiểu nguy cơ va chạm trên không giữa máy bay Mỹ và Nga ở Đông Syria. Quân đội Mỹ đã có biện pháp đề phòng để giảm thiểu nguy cơ cho quân nhân Nga và Syria ở căn cứ này" - phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis nói.

Với những gì đã chuẩn bị cùng với tuyên bố của Nga khi đưa S-400 đến Syria, Mỹ tin rằng hệ thống S-400 sẽ trở nên vô hại trước tên lửa hành trình chiến hạm nước này phóng đi.

Đánh chặn Tomahawk chỉ là chuyện nhỏ

Dù Mỹ rất tự tin vào khả năng qua mặt lưới lửa phòng không của đối phương kể cả S-400, nhưng theo Izvestia, đặc tính kỹ thuật và kinh nghiệm trận mạc của "sứ giả chiến tranh" Tomahawk đã được Nga nghiên cứu trong nhiều năm qua cho thấy, Nga có cách đánh chặn mà không cần dùng đến S-300/400.

Thay vì những hệ thống tầm cao, Nga chỉ cần dùng đến Pantsir-S1. Được biết, Pantsir-S1 là tổ hợp được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không hoặc trên mặt đất và trong khi di chuyển có khả năng bám sát tới 20 mục tiêu và thực hiện phóng cùng lúc hai tên lửa vào mục tiêu. Với cách đánh này, trên thế giới không có loại tổ hợp vũ khí nào có chức năng tương đương.

Hệ thống điều khiển hỏa lực của tổ hợp tên lửa Pantsir-S1 gồm radar phát hiện và bám mục tiêu, hệ thống quan sát quang-ảnh nhiệt (sử dụng khi bị đối kháng điện tử mạnh). Chúng cung cấp tham số bắn cho 2 pháo phòng không 2A38M 30 mm và 12 đạn tên lửa phòng không 57E6-E.

Ở tầm xa, Pantsir-S1 sử dụng tên lửa để tiêu diệt mục tiêu với tầm bắn lên tới 20 km, tầm cao 16 km. Theo Izvestia, hệ thống Pantsir-S1 sẽ phát huy thế mạnh của mình khi tấn công những mục tiêu bay tầm thấp như trực thăng, các máy bay cường kích, tên lửa hành trình...

Vì vậy, việc đánh chặn những tên lửa hành trình như Tomahawk là công năng chính của của Pantsir-S1 dù Tomahawk hội tụ nhiều công nghệ đỉnh cao của thế giới trong việc dẫn đường, chỉ thị và tấn công mục tiêu.

Hệ thống dẫn đường của Tomahawk có thể coi là một chuẩn mực đối với tên lửa hành trình hiện đại. Cơ chế dẫn đường của Tomahawk rất phức tạp và phối hợp nhiều công nghệ dẫn đường khác nhau, các hệ thống này bổ sung cho nhau nhằm tăng độ chính xác khi tác chiến.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ GPS từ vệ tinh cho phép cung cấp thông tin chính xác về vị trí của tên lửa trên quỹ đạo bay, đồng thời kết nối với nhiều phương tiện giám sát khác nhau trên mặt đất. Nôm na, Tomahawk không khác gì một chiếc UAV đầy thông minh.

Tính năng ưu việt của Tomahawk còn ở khả năng làm nhiễu radar cực tốt, và nên nhớ, đây chỉ là một quả tên lửa, có kích thước nhỏ hơn nhiều lần một chiếc tiêm kích hay cường kích.

Để thực hiện xác định, khóa mục tiêu và ngắm bắn thực sự là một điều khó khăn. Đặc biệt, tầm bay thấp của loại tên lửa này (khoảng 100 m) thực sự là một thách thức với mọi hệ thống tên lửa phòng không của đối phương.

Nhưng chính ưu điểm bay thấp của Tomahawk lại khiến nó có thể trở thành miếng mồi ngon cho hệ thống Pantsir-S1 của Nga bởi đánh chặn tên lửa hành trình bay tầm thấp là ưu điểm nổi bật nhất được biết đến của hệ thống này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại