Dỡ bỏ rào cản
Song song với mục tiêu giữ vững cương vị là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn mở cánh cửa giúp các đồng minh và đối tác của nước này tiếp cận dễ dàng hơn với các loại vũ khí của Mỹ.
Đây chính là lý do ngày 19/4, Nhà Trắng công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển giao vũ khí. Theo kế hoạch, Mỹ xem xét dỡ bỏ những quy định hoặc chính sách mà bấy lâu nay hạn chế những cơ hội tiềm năng về xuất khẩu vũ khí cho các doanh nghiệp quốc phòng.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump luôn ấp ủ "hoài bão" mở rộng thị trường xuất khẩu vũ khí. Ở thời điểm hiện tại, để thực hiện các thương vụ mua bán, Tổng thống cần phải tiến hành tiếp xúc trực tiếp với các nhà lãnh đạo nước ngoài, đề xuất và ký kết các hợp đồng.
Còn theo đề xuất chính sách mới về Chuyển giao vũ khí thông thường (CAT) và xuất khẩu Hệ thống vũ khí không người lái (UAS), các công ty quốc phòng tư nhân của Mỹ sẽ được phép bán trực tiếp một số loại vũ khí thông thường và nhiều thiết bị không người lái mang tính sát thương mọi kích cỡ cho đối tác mà không cần sự cho phép của chính phủ.
Ông Peter Navarro, trợ lý tổng thống về chính sách thương mại và sản xuất cho biết, điều này phù hợp với phương châm mà Tổng thống Donald Trump nhiều lần khẳng định: "Mua hàng Mỹ. Thuê người Mỹ".
Trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực cân bằng thương mại với phần còn lại của thế giới, việc thúc đẩy kinh tế thiên về xuất khẩu và mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng là bước đi quan trọng và hợp lý, thể theo đúng chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump.
Đại sứ Tina S.Kaidanow, Phó Trợ lý Ngoại trưởng thứ nhất, phụ trách các vấn đề chính trị - quân sự, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đề xuất mới sẽ đẩy mạnh tính linh hoạt của các công ty quốc phòng, tạo điều kiện cho họ tự tìm kiếm đối tác tiêu thụ vũ khí.
Tuy nhiên đề xuất này vẫn cần phải được Quốc hội thông qua. Theo Reuters, trong số các hãng dự kiến sẽ hưởng lợi từ chính sách mới có Boeing, Lockheed Martin, Raytheon, General Dynamics và Northrop Grumman Corp.
Thứ tự các quốc gia mua vũ khí của Mỹ từ 2011 đến 2015. Ảnh: CNN.
Tham vấn "ông lớn" trong ngành quốc phòng
Chính phủ sẽ tham vấn với các đối tác trong ngành công nghiệp quốc phòng trong 2 tháng tới để thực hiện mục tiêu, và hối thúc chính trị gia Mỹ hành động nhiều hơn nữa cho đẩy mạnh việc bán vũ khí, phục vụ lợi ích của Mỹ tại nước ngoài.
Hãng tin CNN dẫn lời một quan chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Sẽ không có tổ chức hay cơ quan nào ủng hộ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quốc phòng của Mỹ hơn chính phủ nước này. Chúng tôi mong muốn thảo luận thêm với những nhân vật chủ chốt trong ngành này cách thức tốt nhất để đẩy mạnh xuất khẩu trong khi vẫn đảm bảo công ăn việc làm cho người dân Mỹ".
Ông Navarro cũng cáo buộc chính phủ tiền nhiệm cho phép các quốc gia khác phát triển bản sao của những loại máy bay không người lái của Mỹ, viện dẫn bằng chứng các hệ thống này đã được triển khai và sẵn có tại nhiều khu vực, chẳng hạn như Trung Đông.
Cải cách chính sách xuất khẩu vũ khí
Thời gian gần đây, chính quyền Tổng thống Donald đã ký kết nhiều thỏa thuận về mua bán vũ khí, trị giá hàng tỉ đô la Mỹ, với nhiều nước đồng minh ở Châu Âu, Châu Á cũng như khu vực Trung Đông.
Theo thống kê, gần một nửa (49%) lượng vũ khí xuất khẩu của Mỹ là tới Trung Đông. Các quốc gia Trung Đông nhập khẩu vũ khí nhiều nhất phải kể đến như là Saudi Arabia (thứ 2 thế giới), Ai Cập (thứ 3) và UAE (thứ 4). Israel, Iraq và Qatar cũng là những nước mua vũ khí chính trong khu vực.
Bất chấp những con số biết nói nêu trên, Tổng thống Donald Trump vẫn bày tỏ thất vọng về những gì ông xem là hạn chế trong chính sách của Mỹ.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Washington hôm 18/4, Tổng thống Trump nói chính quyền của ông đang tìm cách "đi đường vòng" để tránh quy trình phức tạp tại Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng để xúc tiến việc bán vũ khí cho Tokyo và các đồng minh khác.
Giải thích phát ngôn của nhà lãnh đạo Mỹ, ông Navarro cho biết: "Trong một thời gian dài, chúng tôi đã tự "bó chân" của mình, hạn chế khả năng cung cấp cho đồng minh và các đối tác những loại vũ khí phòng vệ mà họ cần, ngay cả khi nhận thấy điều này có lợi cho nước Mỹ.
Tuy nhiên với chính sách CAT mới, cải cách từ chính sách lỗi thời năm 2014 của người tiền nhiệm, chúng tôi đảm bảo gạt bỏ lo lắng của đồng minh".
Ông Navarro nhấn mạnh, chính sách mới về xuất khẩu vũ khí không chỉ giúp cải thiện an ninh quốc gia Mỹ mà còn có lợi cho đồng minh:
"Các đối tác mua vũ khí của Mỹ sẽ tăng cường khả năng tự phòng vệ trước những mối đe dọa bên ngoài mà không cần hoặc cần ít sự hiện diện của binh sỹ Mỹ trên đất nước họ. Bên cạnh đó, họ có thể sát cánh chiến đấu cùng chúng tôi. Hơn nữa, đồng minh của Mỹ cũng sẽ giảm sự phụ thuộc vào "hàng nhái" của Trung Quốc và hệ thống vũ khí của Nga."
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, hay SIPRI, Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí giai đoạn từ năm 2012 đến 2016, với tỉ lệ 33% kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu. Nga đứng thứ hai, chiếm 23%. Còn Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng cho biết, chính phủ Mỹ đã bán lượng vũ khí trị giá gần 42 tỷ USD cho các đối tác nước ngoài vào năm 2017.