Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: AA
Động thái từ phía Thổ Nhĩ Kỳ đang "làm khó" thông điệp đoàn kết mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn gửi tới Nga trong bối cảnh đang diễn ra xung đột Nga - Ukraine.
Thực tế, việc Thụy Điển và Phần Lan đề nghị gia nhập NATO mang tính lịch sử.
Để mong muốn của Phần Lan và Thụy Điển trở thành hiện thực, họ phải được sự chấp thuận của tất cả 30 nước thành viên NATO hiện tại.
Chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết không đồng ý với Helsinki và Stockholm vì hai nước này "không có lập trường rõ ràng dứt khoát" chống lại Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) và Mặt trận Giải phóng Nhân dân Cách mạng (DHKP/C) - các nhóm mà Ankara coi là tổ chức khủng bố.
Có những nhận định cho rằng động thái trên của Ankara nhằm "ra điều kiện" với NATO - chẳng hạn như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với họ, muốn được Mỹ đưa trở lại chương trình mua máy bay tiên tiến F-35.
"Sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ bị NATO trừng phạt do mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Họ cũng từng làm "phật lòng" các đồng minh khi tham gia vào cuộc phiêu lưu quân sự ở Syria" - theo The Hill.
Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra bức tường thành an ninh quan trọng cho NATO ở biển Đen. Họ có mối quan hệ tốt với cả Ukraine lẫn Nga nên phù hợp với vai trò trung gian hòa giải xung đột cho 2 nước láng giềng. Tuy nhiên, phía Mỹ thất vọng với Ankara vì từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt Moscow sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào Ukraine hôm 24-2.
Vì thế nhiều chính trị gia, nhà lập pháp coi Thổ Nhĩ Kỳ là "đối tác cần thiết và quan trọng nhưng có vấn đề".
"Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác quan trọng của NATO. Chúng tôi có các cơ sở quân sự rất quan trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ và giữa chúng tôi có mối quan hệ tốt đẹp" - Thượng nghị sĩ Ben Cardin, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói với The Hill - "Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác tốt với Ukraine. Chúng tôi muốn Ankara đảm bảo rằng họ là một đối tác có trách nhiệm, bằng cách cắt đứt quan hệ với Nga. Nếu không, điều này có thể đi ngược lại với nhu cầu an ninh của chúng tôi trong NATO".
Cựu phó tổng thư ký NATO Rose Gottemoeller cho biết hy vọng nguyện vọng gia nhập liên minh của Phần Lan và Thụy Điển cuối cùng sẽ thành công nhưng dự đoán Thổ Nhĩ Kỳ "không dễ dàng chấp thuận".
Thượng nghị sĩ James Risch, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đánh giá Thổ Nhĩ Kỳ đối với NATO nói chung và Mỹ nói riêng "vừa có điểm cộng lẫn điểm trừ".
"Tôi nghĩ không nên nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ. Thực tế, họ đã không đồng ý áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ và đồng minh đối với Nga" - Thượng nghị sĩ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh - "Chúng ta không nên đồng ý các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua thêm máy bay chiến đấu F-16. Tôi không ủng hộ việc gửi F-16 tới Thổ Nhĩ Kỳ. Họ vẫn đang vi phạm các lệnh trừng phạt của CAATSA (Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt).
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis trong bài phát biểu trước Quốc hội hôm 17-5 cũng ám chỉ việc không bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, dù không nêu tên cụ thể.
Tổng thống Joe Biden đã đón tiếp lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển tại Nhà Trắng hôm 19-5 và đây là một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với 2 quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO.
Trong một sự kiện tại Vườn Hồng diễn ra sau đó, Thủ tướng Phần Lan Sauli Niinistö đã trực tiếp kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ họ gia nhập khối.