Mỹ sẽ dùng máy bay vận tải C-17, C-130 để ném bom, phóng tên lửa

Thái An |

Dự kiến từ nay tới cuối năm, Không quân Mỹ sẽ thử nghiệm bắn đạn thật với sự tham gia của vận tải cơ C-17, C-130 với tư cách là máy bay cường kích thả bom, phóng tên lửa để tiêu diệt mục tiêu kiên cố, nằm sâu trong lòng đất.

Thả bom đạn từ máy bay vận tải. Ảnh minh họa: Lockheed Martin.

Thả bom đạn từ máy bay vận tải. Ảnh minh họa: Lockheed Martin.

Trong cuộc thử nghiệm mang tên “Chiến dịch Rapid Dragon (Rồng nhanh)”, khi máy bay C-17 đã ở độ cao nhất định, cửa sau sẽ mở ra, thả các pallet (tấm giá đỡ) chứa bom đạn, The National Defense ngày 18/10 dẫn thông báo của Văn phòng Thử nghiệm và lập kế hoạch phát triển chiến lược của Không quân Mỹ.

Ông Dean Evans, giám đốc chương trình Rapid Dragon của văn phòng, mô tả đây là một hệ thống vũ khí độc lập được xếp chồng lên nhau dạng pallet, dạng mô-đun có thể cấu hình lại để dễ dàng thả các loại bom đạn khác nhau với số lượng khác nhau.

Mỹ sẽ dùng máy bay vận tải C-17, C-130 để ném bom, phóng tên lửa - Ảnh 1.

Một chiếc máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ có mặt tại triển lãm hàng không ở Singapore. Ảnh: Thái An.

Thực hiện chương trình Rapid Dragon chỉ mất 10 tháng, kể từ lúc thiết kế ý tưởng đến khi thử nghiệm, ông Evans nói. Việc thử nghiệm là giai đoạn ngắn trong cả chương trình kéo dài 24 tháng với ngân sách 23,7 triệu USD.

Đạn dược được xếp vào pallet đưa lên máy bay vận tải có thể bao gồm phiên bản mới có tầm bắn xa hơn của tên lửa JASSM-ER (viết tắt của Joint Air-to-Surface Standoff Missile Extended Range) nặng 1 tấn. JASSM-ER có tầm hoạt động lớn, độ xuyên phá tốt, có thể công phá các mục tiêu cứng, chắc như sở chỉ huy, kho tàng chiến lược nằm sâu trong lòng đất, được xây dựng kiên cố.

Mỹ sẽ dùng máy bay vận tải C-17, C-130 để ném bom, phóng tên lửa - Ảnh 2.

Tên lửa JASSM có thể công phá các mục tiêu kiên cố trên mặt đất hoặc trong lòng đất. Ảnh: Lockheed Martin.


JASSM-ER là loại vũ khí chính xác đời mới, sẽ nhận dữ liệu nhắm mục tiêu từ một nút điều khiển và chỉ huy ngoài tầm nhìn thông qua hệ thống quản lý chiến đấu trên máy bay được tích hợp vào pallet.

Dữ liệu được tải vào tên lửa JASSM-ER trước khi được phóng đi. Pallet chứa tên lửa và các loại đạn dược khác được thả bằng dù ở khoảng cách an toàn cho máy bay C-17, rơi ổn định rồi tự động bắn tối đa 32 quả tên lửa JASSM-ER hoặc các loại đạn khác vào mục tiêu cách xa hàng trăm km.

Mỹ sẽ dùng máy bay vận tải C-17, C-130 để ném bom, phóng tên lửa - Ảnh 3.

Tính năng của 2 phiên bản tên lửa JASSM. Nguồn: NATO Source.


Điều chỉnh quỹ đạo tên lửa sau khi phóng

Hồi tháng 7, Không quân Mỹ đã giả lập thành công kịch bản bắn phá như vậy khi thực hiện các chuyến bay thử nghiệm tại Bãi phóng tên lửa White Sands ở bang New Mexico.

Các chuyến bay thử nghiệm được thực hiện với máy bay EC-130SJ chuyên tiến hành các nhiệm vụ đặc biệt và máy bay vận tải quân sự C-17A của Phi đội thử nghiệm bay số 418. Cuối năm nay, họ sẽ thử nghiệm phóng tên lửa JASSM-ER thật từ một chiếc EC-130SJ.

Hệ thống vũ khí dạng pallet độc lập với hộp mô-đun sẽ giống như các khối xếp hình đồ chơi Lego, nên có thể mở rộng hoặc thu hẹp kích cỡ, phụ thuộc vào số lượng vũ khí và loại máy bay chuyên chở, ông Evans nói.

Văn phòng Thử nghiệm và lập kế hoạch phát triển chiến lược đang cấu hình 6 tên lửa JASSM-ER cho một chiếc C-130 và 9 tên lửa cho một chiếc C-17 với mục tiêu là nâng cao khả năng triển khai đạn dược từ hộp mô-đun.

Mỹ sẽ dùng máy bay vận tải C-17, C-130 để ném bom, phóng tên lửa - Ảnh 4.

Máy bay vận tải quân sự C-130 Hercules. Ảnh: Lockheed Martin.


Chiến dịch Rapid Dragon chọn thử nghiệm với tên lửa JASSM-ER đầu tiên vì nó có kích thước lớn và độ phức tạp cao. “Nếu chúng ta thành công với JASSM thì những công việc khác trong tương lai sẽ dễ dàng hơn”, ông Evans nhận định.

Bom đạn sẽ được phóng đi theo hướng đâm bổ nhào nên việc điều chỉnh quỹ đạo của chúng sau khi bắn là thách thức kỹ thuật lớn nhất, ông nói.

Năm 2022 và 2023, Không quân Mỹ sẽ bước vào giai đoạn tiếp theo của Rapid Dragon, thử nghiệm với các loại đạn dược khác, cả vũ khí động năng và không động năng.

Đến nay, dự án Rapid Dragon chưa xác định cách thức chỉ huy và điều khiển hệ thống vũ khí dạng pallet. Hồi tháng 3, tướng Jacqueline Van Ovost, tư lệnh Bộ chỉ huy cơ động trên không, nói rằng, Bộ chỉ huy tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ có thể chịu trách nhiệm chỉ huy và điều khiển hệ thống vũ khí mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại