Mỹ sắp giáng đòn “cảnh cáo” Thổ Nhĩ Kỳ về thương vụ mua S-400 của Nga?

Thùy Linh |

Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, Mỹ có thể sớm đóng băng các công tác chuẩn bị liên quan đến việc bàn giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ đang tới gần một quyết định quan trọng liên quan đến những bất đồng kéo dài hơn một năm qua với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh NATO, sau khi không thể thuyết phục Tổng thống Tayyip Erdogan hủy bỏ ý định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Theo đó, Mỹ có thể sẽ sớm đóng băng các công tác chuẩn bị liên quan đến việc bàn giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

“S-40 là một chiếc máy tính. F-35 là 1 chiếc máy tính. Bạn không kết nối chiếc máy tính của mình với máy tính của đối phương và cơ bản đó là những gì chúng tôi không cho phép”, Katie Wheelbarger, quyền trợ lý bộ trưởng Quốc phòng phụ trách vấn đề an ninh quốc tế nói với Reuters.

Đây là tín hiệu mạnh nhất mà Mỹ đưa ra để cảnh cáo rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể có cả máy bay chiến đấu tiên tiến của Mỹ và hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra.

Trong khi đó, một quan chức khác nói rằng, trong số các biện pháp mà Mỹ đang cân nhắc, có cả việc thay thế một nhà máy động cơ máy bay F-35 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo quan chức này, lựa chọn thay thế tiềm năng có thể là ở một nơi khác tại Tây Âu. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ có một nhà máy sản xuất động cơ F-35 ở thành phố miền Tây Eskisehir.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ bị gạt khỏi chương trình F-35, đây có thể là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong quan hệ giữa 2 đồng mình trong nhiều thập kỷ qua, theo ông Bulent Aliriza, Giám đốc dự án Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (Mỹ).

Căng thẳng trong quan hệ giữa 2 nước đã gia tăng không chỉ ở vấn đề F-35 mà còn liên quan đến chiến lược ở Syria, trừng phạt Iran và việc bắt giữ nhân viên lãnh sự quán Mỹ.

“Bất đồng F-35 này là một trong số các “triệu chứng” chứ không phải là nguyên nhân chính gây ra vấn đề giữa 2 nước”, ông Aliriza nói.

Rất nhiều quan chức Mỹ đều lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ đang rời xa NATO và coi việc Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện quan hệ với Nga là điều đáng lưu ý. Việc các nhà thầu hay quan chức Nga tại các căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ (khi triển khai S-400), nơi cũng là “nhà” của F-35 là điều không thể thăm dò được đối với nhiều quan chức Mỹ.

Căng thẳng có thể tiếp tục leo thang. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết thực hiện thỏa thuận với Nga, nước này thậm chí có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Mỹ tìm nhà cung cấp linh kiện F-35 mới

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhiều lần nói rằng ông sẽ không đảo ngược hợp đồng S-400 với Nga. Đầu tháng này, ông tuyên bố “Không ai có thể buộc chúng tôi nuốt lời những gì mình đã nói”.

Quyết định gạt Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 có thể sẽ có tác động sâu rộng, vì Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang giúp sản xuất một số phần cho loại máy bay này, trong đó có cả bộ số hạ cánh, màn hình buồng lái và một số động cơ.

Bà Wheelbarger cũng thừa nhận rằng, Lầu Năm Góc đang tìm kiếm các nhà cung cấp khác cho linh kiện F-35, trong đó có cả các nước thành viên NATO khác.

“Đó là một kế hoạch thận trọng để đảm bảo sự ổn định trong chuỗi cung cấp”, bà nói, nhưng không đề cập tới việc Thổ Nhĩ Kỳ có thể bị gạt khỏi chương trình F-35.

Mỹ đang tìm cách thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ Patriot do Mỹ sản xuất thay vì mua S-400 của Nga. Tổng thống Erdogan tuyên bố để ngỏ việc mua hệ thống Patriot từ Mỹ nhưng chỉ với điều kiện phù hợp.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Eric Pahon nói rằng, ngoài Patriot, đề xuất của Mỹ còn bao gồm cả việc tăng cường hợp tác giữa 2 chính phủ về việc phát triển các hệ thống tiên tiến.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc triển vọng mua cả S-400 và Patriot nhưng Mỹ đã cảnh báo rằng, đề xuất về Patriot sẽ không có giá trị nếu Thổ Nhĩ Kỳ không thay đổi ý định mua S-400.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 đã khiến Quốc hội Mỹ chặn tất cả các thương vụ bán vũ khí lớn cho Ankara. Các nghị sỹ Mỹ có thể sẽ tiếp tục đưa ra dự luật khác nhằm cấm chính quyền Tổng thống Trump bàn giao F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara vẫn mua S-400.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại