Mỹ sắp đi bước đầu tiên trong "Thoả thuận thế kỷ": Chưa triển khai đã thấy trước thất bại

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

"Thoả thuận thế kỷ" đã được thai nghén từ khi ông D. Trump nhậm chức Tổng thống, đến nay vẫn không công bố được.

Mỹ dự định tổ chức một cuộc hội thảo mang tên "Hòa bình đến thịnh vượng" vào ngày 25-26/6/2019 tại Manama, Thủ đô Bahrain với sự tham gia của các bộ trưởng tài chính, các doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có các nước Ả Rập ôn hòa và Israel.

Cố vấn của Tổng thống Donald Trump về hòa bình Trung Đông Jared Kushner và Đặc phái viên Trung Đông của Mỹ Jason Greenblatt đã tiến hành chuyến thăm Trung Đông (27-31/5/2019) và đến Brussels (4/6/2019) gặp Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker để trình bày và vận động các nước châu Âu ủng hộ kế hoạch của Mỹ.

Mục tiêu của Hội thảo "Hoà bình đến thịnh vượng"

Mục tiêu của cuộc Hội thảo này được coi là giai đoạn đầu của ‘Thoả thuận thế kỷ" của chính quyền Mỹ, sẽ tập trung vào khía cạnh kinh tế, huy động các nguồn tài chính khoảng 68 tỷ USD dưới hình thức tài trợ, đầu tư từ các nước Ả Rập giàu có và các nước phương Tây để xây dựng các dự án quy mô lớn nhằm cải thiện cuộc sống của người Palestine sống ở bên trong Palestine cũng như những người tỵ nạn ở Jordan, Ai Cập, Lebanon, Syria....

Tiếp theo, chính quyền Mỹ dự định công bố giai đoạn hai của "Thoả thuận thế kỷ" bao gồm các vấn đề chính trị nhằm giải quyết tất cả các vấn đề cốt lõi của cuộc xung đột Palestine-Israel.

Thông qua cuộc hội thảo này, Tổng thống D. Trump muốn dùng gói "tiền thưởng" kinh tế để thay thế cho giải pháp chính trị toàn diện, xóa bỏ nguyên tắc giải pháp hai nhà nước hợp tình, hợp lý nhằm giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel, đã được khẳng định tại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Hội nghị hòa bình Madrid năm 1991, nguyên tắc "Đất đai đổi lấy hòa bình" và sáng kiến hòa bình của các nước Ả Rập năm 2002.

Những nước nào đã nhận lời tham dự Hội thảo Bahrain?

Đến nay mới chỉ có bốn nước trả lời tham gia hội thảo gồm Israel, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Qatar. Trước sự phản đối của nhiều nước, Bahrain giải thích rằng họ chỉ "cho mượn" địa điểm để đăng cai hội thảo.

Palestine là một bên chính của cuộc xung đột Palestine-Israel đã tuyên bố dứt khoát không tham dự hội thảo. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (Abu Mazen) đã tỏ ra hết sức giận dữ về kế hoạch này của Mỹ, và khẳng định ban lãnh đạo Palestine sẽ không cử đoàn tham và vận động cộng đồng quốc tế tẩy chay cuộc hội thảo này.

Hầu hết các doanh nghiệp Palestine của chính phủ cũng như tư nhân đều tuyên bố tẩy chay hội thảo Manana. Trong một cuộc họp báo tại Ramallah, ông M. Abbas nói "hãy để cho Thỏa thuận thế kỷ của Mỹ đi xuống địa ngục".

Trung Quốc và Nga trong một tuyên bố chung đã thỏa thuận không tham gia hội thảo. Cả hai nước đều khẳng định lại lập trường "ủng hộ sự nghiệp của người Palestine, bao gồm quyền tự quyết của họ và quyền thành lập một quốc gia độc lập trong biên giới năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem".

Mỹ sắp đi bước đầu tiên trong Thoả thuận thế kỷ: Chưa triển khai đã thấy trước thất bại - Ảnh 2.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas: Hãy để cho Thỏa thuận thế kỷ của Mỹ đi xuống địa ngục. Ảnh: Reuters.

Hội thảo Bahrain và Thỏa thuận thế kỷ rất ít có cơ hội thành công

Chính quyền của Tổng thống D. Trump không dễ gì thực hiện được kế hoạch của mình nhằm giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Nhà Trắng đã cử nhiều đoàn đến khu vực Trung Đông, mới đây nhất là Cố vấn cao cấp J. Kushner cùng với Đặc phái viên về Trung Đông J. Greenblatt để thuyết phục các nước chấp nhận sáng kiến của mình, nhưng đều không đạt được kết quả.

"Thoả thuận thế kỷ" đã được thai nghén từ khi ông D. Trump nhậm chức Tổng thống đến nay vẫn không công bố được. Lý do đến nay vẫn không đạt được tiến bộ nào bởi vì mục tiêu cuối cùng của ông D. Trump là nhằm xóa bỏ vấn đề Palestine, đi ngược lại tất cả các nguyên tắc đã được quốc tế, trong đó có Mỹ đồng thuận trước đây.

Trong tình hình chính trị bất ổn hiện nay ở Israel, Mỹ lại càng gặp khó khăn hơn trong việc thực hiện kế hoạch của mình. Israel đang ở trong tình trạng không có chính phủ. Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đồng minh thân cận nhất của D. Trump, người ủng hộ mạnh mẽ nhất "Thoả thuận thế kỷ" lại đang đứng trước những khó khăn nội bộ chưa từng thấy.

Đến nay đã quá 42 ngày sau bầu cử, ông B. Netanyahu vẫn không thành lập được chính phủ liên hiệp theo luật định do không thỏa thuận được với các đảng phái chính trị khác. Quốc hội (Knesset) đã tuyên bố giải tán và tiến hành bầu cử lại vào ngày 17/9 tới.

Tổng thống D. Trump đã rất trông đợi việc B. Netanyahu thành lập được chính phủ liên hiệp để có thể đưa ra "Thoả thuận thế kỷ" của mình. Trump viết trên trang Twiter của mình "mong Netanyahu tiếp tục ở lại chính quyền để có thể xây dựng một liên minh Mỹ-Israel mạnh mẽ hơn bao giờ hết".

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo ông B. Netanyahu sẽ giành được thắng lợi trong cuộc tái bầu cử sắp tới. Các cử tri đã bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử 9/4/2019 vừa qua, có thể không tín nhiệm ông nữa. Ông B. Netanyahu có thể sẽ phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng và khả năng phải đứng ra điều trần về việc này vào tháng Mười tới theo yêu cầu của Tổng chưởng lý Israel.

Mỹ sắp đi bước đầu tiên trong Thoả thuận thế kỷ: Chưa triển khai đã thấy trước thất bại - Ảnh 4.

Cố vấn của Tổng thống Donald Trump về hòa bình Trung Đông Jared Kushner bắt tay với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: EPA-EFE.

Nhà phân tích chính trị Israel Yoshi Milman mới đây viết bài trên báo Maariv xuất bản tại Jerusalem tỏ ra nghi ngờ về động cơ thực sự của Mỹ khi đưa ra sáng kiến tổ chức hội thảo kinh tế tại Bahrain.

Ông đặt câu hỏi: "Nếu chính quyền Mỹ thực sự muốn giúp người Palestine thì tại sao họ lại cắt giảm số tiền viện trợ tài chính ít ỏi hàng năm cho chính quyền Palestine và Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tỵ nạn Palestine (UNRWA)? Tại sao Mỹ không giúp đỡ hơn hai triệu dân Palestine đang sống khốn khổ tại dải Gaza trong tình trạng kinh tế suy sụp do bị Israel bao vây, phong tỏa từ hơn 5 năm nay? Tại sao chính quyền Israel lại giữ lại số tiền thuế của người Palestine đóng cho chính quyền Palestine?"

Trong tình hình như vậy, cuộc hội thảo Manama rất khó có cơ hội thành công và "Thoả thuận thế kỷ" một lần nữa lại phải hoãn công bố. Các chuyên gia về Trung Đông cho rằng những cố gắng của chính quyền D. Trump nhằm giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel có thể bị sụp đổ hoàn toàn.

Ông Saeb Erekat, Tổng thư ký Ban chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), trưởng đoàn đàm phán Palestine hài hước nói "Thoả thuận thế kỷ" đang trở thành "Thoả thuận của thế kỷ sau".

Mỹ sắp đi bước đầu tiên trong Thoả thuận thế kỷ: Chưa triển khai đã thấy trước thất bại - Ảnh 5.

Cuộc xung đột Palestine-Israel" không thể giải quyết được chỉ bằng con bài kinh tế. Vấn đề cấp bách hiện nay là thúc đẩy Israel và Palestine nối lại các cuộc thương lượng trực tiếp bị gián đoạn từ năm 2014 thay vì áp đặt các thỏa thuận từ bên ngoài.

Cuộc xung đột Israel-Palestine chỉ có thể giải quyết được trên cơ sở giải pháp hai Nhà nước đã được chính Thủ tướng B. Netanyahu chấp nhận năm 2009 dưới thời Tổng thống B. Obama.

Một giải pháp công bằng và bền vững cho cuộc xung đột chỉ có thể đạt được trên cơ sở Israel rút khỏi các vùng đất Palestine và Ả Rập bị chiếm đóng, khôi phục lại các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Palestine, trong đó có quyền tự quyết, quyền trở về và quyền thành lập một Nhà nước Palestine độc lập bên trong đường biên giới 4/6/1967 với Thủ đô là Đông Jerusalem.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại