Khi đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nước Mỹ lại phải đối mặt với một khủng hoảng mới là làn sóng biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc.
Người biểu tình tập trung tại Lake Street, thành phố Minneapolis hôm 29/5. Ảnh: NY Times
Cuộc sống của ông Jimmy Mills đã bị ảnh hưởng nặng nề khi hai cuộc khủng hoảng diễn ra song song ở nước Mỹ. Hiệu cắt tóc của ông nằm tại khu vực Midtown, thành phố Minneapolis, là một trong nhiều doanh nghiệp nhỏ thuộc sở hữu của người da màu, đã phải vật lộn để tồn tại sau đại dịch COVID-19. Sau hai tháng phải đóng cửa, ông vẫn nuôi hy vọng cửa hiệu sẽ được mở cửa trở lại vào tuần tới.
Tuy nhiên, niềm mong ước của ông đã sụp đổ hoàn toàn. Ngày 29/5 vừa qua, khu dân cư lao động của ông đã nổi lửa khi các cuộc biểu tình bùng lên sau cái chết của George Floyd, một công nhân da màu bị cảnh sát dùng bạo lực và tử vong. Không chỉ tại Minneapolis, các cuộc bạo động chống nạn phân biệt đối xử cũng đã bùng lên trên khắp các thành phố khác tại Mỹ.
“Đầu tiên là virus SARS-CoV-2, sau đó là những cuộc biểu tình. Dường như mọi điều tồi tệ nhất đang ập đến với chúng tôi”, ông Mills, 56 tuổi, nói.
Làn sóng biểu tình nổ ra sau khi xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh George Floyd đau đớn vì bị cảnh sát da trắng ghì đầu gối lên cổ khiến nạn nhân không thở được. Sự việc xảy đến đúng vào thời điểm nước Mỹ đang phải hứng chịu hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra, khiến trên 100.000 thiệt mạng và hàng triệu người mất việc làm. Chỉ riêng hôm 31/5, ít nhất 600 người Mỹ đã tử vong vì COVID-19.
Cư dân tại thành phố Minneapolis cho biết sự phẫn nộ và biểu tình sau vụ việc George Floyd bị giết là hậu quả của việc cộng đồng này đã bị tổn thương trong vài tuần trở lại đây, đó là bạo lực từ cảnh sát và virus. Điều này khiến tình trạng bất bình đẳng tại Mỹ càng bị khoét sâu.
Đại dịch đã gây ra những tổn hại về kinh tế và sức khỏe không đồng đều đối với các nhóm thiểu số và người nhập cư ở thành phố Minneapolis. Công nhân da màu và người gốc Mỹ Latinh có nhiều nguy cơ mất việc làm hơn. Nhiều người khác trong số họ làm việc theo giờ được trả lương thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi làm việc tại các siêu thị, viện dưỡng lão, nhà máy, lò mổ và các công việc khác không thể thực hiện từ xa.
Cộng đồng người da màu tại bang Minnesota cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, giống như người Mỹ gốc Phi trên khắp đất nước đang chứng kiến tỷ lệ nhiễm virus và tử vong cao hơn.
Người da màu chiếm ít nhất 29% trong tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở Minnesota, mặc dù cộng đồng này chỉ chiếm khoảng 6% dân số trong bang. Người Mỹ gốc Phi chiếm 35% các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Minneapolis, mặc dù họ chỉ chiếm chưa đầy 20% dân số thành phố.
Anh Mohamud Noor, người đại diện cho khu vực có đông dân nhập cư từ Somalia và nhiều nơi khác, cho biết không có từ nào để diễn tả những gì họ đang phải trải qua. Ông chú của Noor đã qua đời vì mắc COVID-19 vài ngày trước và anh nói rằng mình không thể biết được có bao nhiêu người thân khác đã tử vong vì nhiễm virus SARS-CoV-2.
Anh Noor cho biết việc đóng cửa trường học đã khiến những học sinh nghèo không có máy tính xách tay, không có khả năng truy cập nguồn Internet đáng tin cậy để tham gia các lớp học trực tuyến. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp tại địa phương tăng vọt. Giờ đây, với hơn 200 doanh nghiệp bị thiệt hại và bị phá hủy trong làn sóng bạo động, anh Noor lo lắng điều đó sẽ khiến nhiều người mất việc làm và thất bại trong kinh doanh.
Khu phố Midtown, nơi các tòa nhà bị đốt cháy, đập phá và cướp bóc, đã phải cố gắng xây dựng lại sau nhiều năm kinh tế khó khăn. Cánh cửa hy vọng của ông Mills đã biến thành đống đổ nát. Các cửa sổ phía trước hiệu cắt tóc của ông Miller đã vỡ, những kẻ cướp bóc đã lấy tivi, thiết bị video và máy cắt tóc của ông.
Một thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã khóc trong cuộc biểu tình ở thành phố Minneapolis. Ảnh: NY Times
Giờ đây, khi không có điện, nước lênh láng trên sàn, cảnh sát và quân đội Vệ binh quốc gia đang bao vây khu phố, ông Mills không biết khi nào hiệu cắt tóc J-Klips của mình mới có thể mở cửa trở lại.
“Một nửa nơi này đã bị phá hủy. Chúng tôi sẽ phải bắt đầu từ đâu?”, ông nói.
Trong nhiều khu vực của thành phố, nơi có nhiều người nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn, cư dân không có khẩu trang và nước rửa tay để khử trùng, ngay cả khi thị trưởng ra lệnh đeo khẩu trang tại nơi công cộng vào đầu tuần này.
Nhiều người trẻ, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, đang cùng một lúc phải làm hai hoặc ba công việc bán thời gian đã mất việc khi virus bùng phát. Ông Tyler Sit, mục sư của Nhà thờ Thành phố Mới, cách nơi Floyd tử vong chỉ vài dãy nhà, cho biết rằng những người thất nghiệp đang vô cùng lo lắng khi không được hưởng trợ cấp của chính phủ và có thể mắc bệnh COVID-19.
“Tự cách ly tại nhà trong thời gian phong tỏa, không có việc làm và không có triển vọng tìm việc làm trong tương lai gần. Họ nhận thức rõ hơn về các tin tức và sau đó phản ứng bằng cách xuống đường khi có nhiều thời gian rảnh”, ông nói.
Người biểu tình nghỉ ngơi sau một cuộc bạo động kéo dài qua đêm. Ảnh: NY Times
“Tôi nghe thấy thành viên trong cộng đồng đang cố gắng cân nhắc xem họ có nên xuống đường hay không. Họ không muốn mắc COVID-19 và khiến dịch bệnh lây lan nếu họ là một người mang mầm bệnh mà không có triệu chứng. Tuy nhiên, có một cảm giác rằng chúng tôi phải làm gì đó vì thành phố của chúng tôi đang bốc cháy”, ông Sit chia sẻ.
Tại Atlanta, Denver, New York và nhiều thành phố nữ nữa, người biểu tình cũng đã quyết định xuống đường bất chấp đại dịch. Họ đeo khẩu trang và khăn che mặt vừa để ngăn ngừa virus vừa để bảo vệ mình khỏi hơi cay của cảnh sát.
Anais Nunez, một nhà tổ chức cộng đồng 31 tuổi sống tại khu phố Allerton ở Bronx, cho biết cô đã can đảm đến một cuộc biểu tình đông người với nguy cơ mắc bệnh cao, chỉ để thể hiện tình đoàn kết với những người khác, biểu tình chống lại bạo lực cảnh sát.
“Tôi đến từ Bronx, tâm chấn của dịch bệnh với tỷ lệ mắc bệnh, nhập viện và tử vong cao nhất. Chúng tôi đã chịu nhiều tổn thương. Nhưng chúng tôi phải làm tất cả những điều này, làm cho cuộc khủng hoảng thậm chí còn tồi tệ hơn”, cô nói.
Ông Rashawn Ray, một nhà xã hội học và nhà nghiên cứu tại Viện Brookings, cho biết điểm khác biệt quan trọng giữa bệnh dịch với làn sóng phân biệt chủng tộc là một ngày nào đó, dịch bệnh có thể bị đánh bại bằng vắc-xin hoặc đột phá y tế.
“Chúng ta chưa từng tới thời điểm khi mà phân biệt chủng tộc không phải là một phần quan trọng trong cuộc sống của người dân Mỹ”, ông nói.