Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP
Lãnh đạo của Nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) dự định thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào vấn đề năng lượng và xuất khẩu của Nga tại hội nghị thượng đỉnh tại Nhật Bản vào tuần này, các nguồn thạo tin nói với Reuters.
Hành động của các nhà lãnh đạo G7 diễn ra trong bối cảnh phương Tây tìm kiếm cách mới để thắt chặt các lệnh trừng phạt hạn chế các hoạt động kinh tế của Nga từ kiểm soát xuất khẩu đến hạn chế thị thực và giới hạn giá dầu.
Các biện pháp trên được cho là đã gây áp lực lên Nga nhưng không ngăn chặn được chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Ngoại trưởng các nước G7 gặp nhau tại Nhật Bản hôm 18/4/2023. Ảnh: CNN
Mỹ ráo riết giáng đòn, đồng minh phản đối
Các biện pháp trừng phạt mới đối với Moscow được thảo luận trong cuộc họp ngày 19-21/5 của G7 sẽ nhắm vào các hành vi lẩn tránh trừng phạt của các nước thứ ba, tìm cách làm suy yếu việc sản xuất năng lượng của Nga trong tương lai và hạn chế thương mại hỗ trợ cho quân đội Nga, nguồn tin cho hay.
Riêng giới chức Mỹ mong đợi các thành viên G7 sẽ đồng ý điều chỉnh cách tiếp cận của họ đối với các trừng phạt để toàn bộ hàng xuất khẩu vào Nga đều tự động bị cấm, trừ những mặt hàng trong danh sách được chấp thuận.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP
Chính quyền Tổng thống Joe Biden trước đó đã thúc giục các đồng minh G7 đảo ngược cách tiếp cận trừng phạt của nhóm này hiện đang cho phép tất cả hàng hóa đều được bán cho Nga, trừ một số mặt hàng có trong danh sách đen.
Một số đồng minh của Mỹ đã phản đối ý tưởng trên. Financial Times cho hay, đề xuất này diễn ra trong bối cảnh Washington ngày càng thất vọng với hệ thống trừng phạt hiện tại có nhiều lỗ hổng, khiến Nga tiếp tục có thể nhập khẩu mặt hàng công nghệ từ phương Tây.
Liên minh châu Âu (EU) đã có cách tiếp cận riêng và hiện liên minh này cũng đang đàm phán gói trừng phạt thứ 11 vào Nga, phần lớn tập trung vào các cá nhân và quốc gia lách luật hạn chế thương mại hiện có.
"Cách tiếp cận 'cấm mọi thứ trước sau đó sẽ có danh mục các ngoại lệ' sẽ không hiệu quả theo quan điểm của chúng tôi," một quan chức chính phủ hàng đầu của Đức cho biết. "Chúng tôi muốn mọi thứ phải thật chính xác và muốn tránh những hậu quả ngoài ý muốn."
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula Von Der Leyen. Ảnh: Reuters
Financial Times đánh giá, sự bất đồng trong các biện pháp trừng phạt nhấn mạnh việc các nhà lãnh đạo G7 thiếu các lựa chọn bổ sung khi họ tìm cách tăng cường trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Giải quyết việc các nước thứ ba lẩn tránh lệnh trừng phạt là trọng tâm chính của Mỹ, Anh, EU và các đồng minh khác với áp lực ngày càng tăng khi các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các nước ở Trung Á đã tăng cường thương mại với Nga kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt.
Ảnh: Reuters
"Vũ khí" của Moscow
Phó chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev tháng trước cho biết, động thái cấm xuất khẩu của G7 sang Nga (nếu thành hiện thực) sẽ khiến Moscow chấm dứt thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen (cho phép việc xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine).
Ảnh: Reuters
"Ý tưởng của G7 về việc cấm hoàn toàn hoạt động xuất khẩu sang nước Nga hay ở chỗ nó hàm ý một lệnh cấm đối với các mặt hàng họ nhập khẩu từ Nga, bao gồm cả các mặt hàng nhạy cảm đối với G7. Trong trường hợp như vậy, thỏa thuận ngũ cốc - và nhiều thứ khác mà họ (G7) cần - sẽ kết thúc," ông Medvedev bình luận.
Moscow đã cho biết rằng, họ có thể không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc sau khi nó hết hạn vào ngày 18/5 trước khi nước này nhận được báo cáo về các lệnh cấm xuất khẩu của G7.
Mới đây vào ngày 11/5, Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc (UN) đã thảo luận về các đề xuất của UN trong việc gia hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Tuy nhiên, Reuters đưa tin, cuộc họp này đã dường như kết thúc mà không có sự đồng ý của Nga về việc gia hạn thỏa thuận Biển Đen.
Điện Kremlin cho biết trước đó rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong thời gian ngắn nếu cần về việc gia hạn thỏa thuận, nhưng hiện tại chưa có kế hoạch nào như vậy.
An ninh lương thực sau chiến sự ở Ukraine cũng được cho là một chủ đề chính tại hội nghị G7.