Mỹ ráo riết đưa tàu sân bay tới vùng Vịnh: Tìm cớ tấn công hay "đòn áp lực" buộc Iran đàm phán?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Mặc dù giới "diều hâu" tại Washington đang ráo riết hô hào chiến tranh nhưng bối cảnh hiện nay có thuận lợi để Tổng thống Trump đưa Mỹ dấn thân vào một kịch bản như vậy?

Mỹ ráo riết đưa các phương tiện chiến tranh đến vùng Vịnh

Các quan chức Nhà Trắng cho biết Cơ quan tình báo Mỹ CIA đã nhận được thông tin về việc Iran "đang lên kế hoạch tấn công các lực lượng Mỹ ở Trung Đông, trong đó có Iraq, Syria, Kuwait và tổ chức các cuộc tấn công ở Vịnh Bab al-Mandab gần Yemen.

Tướng Frank McKenzie, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm Mỹ tại Trung Đông (CENTCOM) đã yêu cầu chính quyền tăng viện thêm các đơn vị quân đội để đối phó với các mối đe dọa của Iran.

Đáp ứng yêu cầu này, ngày 5/5/2019, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Washington đang đưa tàu sân bay Abraham Lincoln và một số tàu chiến và máy bay ném bom đến Trung Đông.

Ngày 7/5/2019, Lầu Năm Góc cho biết rằng việc di chuyển tàu sân bay USS Abraham Lincoln vào hải phận vùng Vịnh có thể bao gồm cả việc triển khai bốn máy bay ném bom chiến lược B-52.

Bolton tuyên bố đây là thông điệp Washington muốn gửi tới Tehran, rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào lợi ích của Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ sẽ bị giáng trả rất mạnh mẽ. Ông Bolton nói: "Mỹ không tìm kiếm chiến tranh với Iran, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào".

Trong khi đó, ngày 7/5/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã điện đàm với Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, bàn về"những diễn biến mới tại khu vực", trong đó có việc phối hợp hành động nhằm chống lại các mối đe doạ của Iran.

Ông Pompeo cũng đã đến thăm Iraq cũng trong một sứ mệnh tương tự. Những hoạt động này là nhằm tỏ rõ Mỹ sẵn sàng cho một cuộc tấn công Iran dưới bất kỳ lý do nào.

Mỹ ráo riết đưa tàu sân bay tới vùng Vịnh: Tìm cớ tấn công hay đòn áp lực buộc Iran đàm phán? - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới thăm Iraq. Ảnh: AP

Đáp lại, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Iran Keyvan Khosravi nói rằng ông Bolton thiếu hiểu biết về các vấn đề quân sự và an ninh, tuyên bố của ông chống lại Tehran chỉ là để diễu võ giương oai và không khác gì một đòn chiến tranh tâm lý.

Tuy nhiên, Iran cũng sẵn sàng cho mọi tình huống nếu các nhà chỉ huy quân đội Mỹ muốn kiểm tra khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang Iran.

Washington đang tìm cớ tấn công Iran

Có nhiều lý do để Mỹ có thể tấn công Iran.

Như lâu nay, Washington có thể tố cáo Tehran không chịu rút quân khỏi Syria và từ đó đe doạ Israel. Mỹ cũng có thể lấy cớ Iran giúp đỡ người Houthi ở Yemen, Hizbollah ở Lebanon, Hamas ở Gaza và tăng cường sự có mặt của mình ở Iraq để trừng phạt Tehran.

Lý do để Mỹ khai hoả cũng có thể là Iran vi phạm lệnh trừng phạt, tiếp tục bán dầu, hải quân Mỹ sẽ tìm cách ngăn cản các tàu chở dầu, đáp lại Iran sẽ đóng cửa eo biển Hormuz.

Trong tình thế như vậy, một cuộc đụng độ quân sự giữa Mỹ và Iran rất có thể bùng nổ. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, Washington sẽ không tham gia vào một cuộc tấn công trực diện, mà sẽ tìm cách làm suy yếu và đưa Iran đến sụp đổ.

Để đạt được mục tiêu này, Mỹ đang sử dụng mọi phương tiện đe dọa Iran để chứng minh rằng họ quyết tâm và không loại trừ bất cứ khả năng nào.

Mặt khác, cũng có thể thông qua việc đưa tàu sân bay và các phương tiện chiến tranh đến vùng Vịnh, Washington muốn tăng cường gây sức ép buộc Iran phải chấp nhận bước vào đàm phán về việc sửa đổi Thoả thuận hạt nhân (JCPOA) năm 2015, trong đó có vấn đề liên quan đến tên lửa đạn đạo và ảnh hưởng của Iran ở khu vực.

Nhìn lại lịch sử 40 năm qua kể từ khi cuộc cách mạng Hồi giáo lật đổ chế độ vua Shah Pahlevi thân Mỹ, Washington càng gây sức ép bao nhiêu thì Iran càng chống lại bấy nhiêu.

Các nhà phân tích chính trị tỏ ra nghi ngờ lần này Mỹ có thể quy phục được ban lãnh đạo Iran. Không ai phủ định ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt là rất lớn. Nền kinh tế Iran đang hết sức khó khăn, mức sống của người dân giảm sút nghiêm trọng.

Việc "đưa xuất khẩu dầu về 0" là khó xảy ra, nhưng khối lượng dầu xuất khẩu của Iran chắc chắn sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên, Iran đã tìm cách sử dụng các cơ chế đặc biệt trong quan hệ buôn bán với Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước thuộc Liên minh châu Âu... để giảm bớt thiệt hại do các lệnh cấm vận của Mỹ gây ra.

Mỹ ráo riết đưa tàu sân bay tới vùng Vịnh: Tìm cớ tấn công hay đòn áp lực buộc Iran đàm phán? - Ảnh 3.

Khối lượng dầu xuất khẩu của Iran chắc chắn sẽ giảm đáng kể. Ảnh: petroleum-economist.com

Kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã có nhiều hành động gây căng thẳng quan hệ với Iran, bắt đầu bằng việc rút khỏi Thoả thuận hạt nhân (JCPOA) ký với Iran.

Tiếp theo đó là một loạt các biện pháp trừng phạt Iran được áp đặt và mới đây là lệnh cấm toàn diện xuất khẩu dầu mỏ. Vào tháng Tư vừa qua, Washington đã thực hiện một bước đi chưa từng có, tuyên bố coi Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là tổ chức khủng bố.

Không loại trừ bất cứ khả năng nào, nhưng Tổng thống Donald Trump phải suy nghĩ một ngàn lẻ một lần trước khi tuyên chiến với Iran.

Việc Mỹ đưa một lực lượng quân sự lớn đến vùng Vịnh là một bước đi nguy hiểm đang tạo ra một bầu không khí căng thẳng tại khu vực. Không thể loại trừ khả năng bùng nổ một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Iran.

Thế nhưng, mặc dù giới "diều hâu" tại Washington đang ráo riết hô hào chiến tranh, bối cảnh hiện nay hoàn toàn không thuận để Tổng thống Trump có thể quyết định một kịch bản như vậy.

Thứ nhất, đây sẽ là hành động đơn phương của Mỹ, không được Liên hợp quốc uỷ nhiệm và không được cộng đồng quốc tế ủng hộ, kể cả các đồng minh NATO và Liên minh châu Âu (EU).

Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác có quan hệ tốt với Iran chắc chắn sẽ đứng về phía Iran. Các đồng minh của Mỹ ở khu vực như Israel và Ả Rập Saudi do lo ngại về hậu quả khó lường, cũng không muốn tham gia trực tiếp vào cuộc đối đầu này mà có thể chỉ cung cấp cho Mỹ các nhu cầu về hậu cần.

Mỹ ráo riết đưa tàu sân bay tới vùng Vịnh: Tìm cớ tấn công hay đòn áp lực buộc Iran đàm phán? - Ảnh 4.

Thứ hai, không có lý do thuyết phục để phát động một cuộc chiến tranh chống Iran. Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã giám sát chặt chẽ các cơ sở hạt nhân ở Iran và không có bằng chứng nào cho thấy Iran vi phạm Thoả thuận hạt nhân JCPOA và chương trình hạt nhân của Iran là nhằm mục đích hòa bình.

Thứ ba, một cuộc chiến như vậy sẽ không chỉ giới hạn giữa Mỹ và Iran mà ngọn lửa chiến tranh có thể sẽ lan ra toàn bộ khu vực khó lòng dập tắt được, dẫn đến một cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn cầu. Eo biển Hormuz sẽ bị chặn, dầu mỏ Trung Đông sẽ không thể lưu thông được, giá dầu tăng vọt dẫn đến hậu quả không thể lường trước được đối với kinh tế thế giới.

Thứ tư, Iran không phải là Iraq. Năm 2003, Washington chỉ quyết định tấn công Iraq khi biết chắc chắn nước này đã bị kiệt quệ sau 12 cấm vận và không còn vũ khí để chống trả. Trong tình hình như vậy mà Mỹ cũng phải huy động đến hơn 40 nước cùng tham gia mới chiếm được Iraq và lật đổ được chính quyền Saddam Hussein. Iran là một quốc gia có đầy đủ các loại vũ khí để bảo vệ mình. Và không có lý do gì để bắt đầu một cuộc chiến khi Iran sẵn sàng đàm phán.

Cuối cùng, phát động một cuộc chiến tranh mà chưa biết kết cục của nó thế nào sẽ hoàn toàn không có lợi cho ông Trump khi cuộc tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai của ông năm 2020 đang đến gần.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại