Theo chuyên gia James Himberger - nhà phân tích của tạp chí National Interest (NI), mới đây một vị khách cực kỳ quan trọng đối với Washington - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến thăm nước Mỹ.
Như tác giả lưu ý, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã có nhiều nỗ lực để đảm bảo rằng cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo được tổ chức trang trọng, vì Ấn Độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hoa Kỳ vì nhiều lý do.
Thứ nhất, chính phủ Mỹ muốn biến Ấn Độ thành một bức tường thành về quân sự và kinh tế nhằm đối trọng với Trung Quốc. Thứ hai, New Delhi là một nhà nhập khẩu vũ khí rất lớn.
Không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Biden đang làm mọi cách để biến Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí chính tại thị trường Ấn Độ. Sau cuộc trò chuyện riêng, hai nhà lãnh đạo đã công bố những thành quả đạt được trong quan hệ đối tác trên mọi lĩnh vực: quốc phòng, kinh tế và không gian.
"Quan trọng nhất, Ấn Độ hiện đã có quyền tiếp cận động cơ phản lực F414 mà họ thèm muốn từ lâu thông qua một thỏa thuận sản xuất chung. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo đã công bố việc mua 30 máy bay không người lái MQ-9B Sea Guardian trị giá 3 tỷ USD".
"Không chỉ có vậy, hai quốc gia thỏa thuận sẽ tăng cường năng lực tình báo, giám sát và trinh sát của Không quân Ấn Độ đối với Trung Quốc ở Himalaya và Ấn Độ Dương", nhà phân tích của tờ NI nói rõ.
Tuy nhiên Washington vẫn không thể dẫn đầu trong việc bán vũ khí vì một trở ngại lớn là vũ khí của Nga. Chuyên gia Himberger nhắc lại rằng Ấn Độ gắn bó chặt chẽ với Nga trong lĩnh vực quốc phòng, khi vũ khí Nga chiếm tỷ trọng 60 - 85% trong lực lượng vũ trang quốc gia Nam Á này.
Thương mại giữa Moskva và New Delhi từ lâu đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với Washington: một thị trường lớn đang bị mất, cộng với việc một đồng minh chiến lược đang sử dụng vũ khí của đối thủ Mỹ.
"Để thay đổi điều này, Washington sẽ thực hiện tính toán với giá vũ khí để cạnh tranh tốt hơn với Liên bang Nga", tác giả chắc chắn.
"Mặc dù sự phụ thuộc của Ấn Độ vào vũ khí Nga đang giảm đi, nhưng điều này sẽ không biến mất trong một thời gian ngắn và tốc độ phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ cung cấp các hệ thống phòng thủ rẻ hơn cũng như đầu tư liên tục của Ấn Độ trong việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình", bài báo nói rõ.
Nhà phân tích cũng nhắc lại rằng Ấn Độ không thể được coi là một đồng minh thông thường của Mỹ vì quan hệ giữa hai nước không bị ràng buộc bởi bất kỳ liên minh nào. Tuy nhiên New Delhi vẫn ở gần Washington hơn so với các nước như Saudi Arabia hay Ai Cập.