Mỹ phát triển "ICBM" dưới lòng biển

TUẤN SƠN |

Trước những lợi thế không thể phủ nhận của chương trình ngư lôi tự hành Status-6 của Nga, Mỹ cũng đang phát triển dòng vũ khí có chức năng tương tự với nhiều công nghệ đặc trưng, chưa từng có tiền lệ.

Dưới đáy đại dương, một vật thể lặn không xác định được thả từ khoang chở hàng của tàu ngầm hạt nhân và lặng lẽ tự động di chuyển tới mục tiêu đã định trước. Khi tới mục tiêu, nó sẽ tự động kích hoạt đầu đạn hạch tâm mang theo gây ra sự phá hủy khủng khiếp.

Đó là kịch bản hoàn toàn thực tế với chương trình phát triển phương tiện lặn không người lái Hunter do Cơ quan phụ trách Các dự án tương lai (DAPRA) thuộc Lầu Năm góc công bố. 

Không bị giới hạn trọng tải vũ khí mang theo như tên lửa đạn đạo, thiết bị lặn không người lái của Mỹ có thể mang theo đầu đạn hạch tâm cỡ lớn đủ để tạo ra “thảm họa ngày tận thế” cho đối phương.

Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, chương trình vũ khí "tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) dưới lòng biển" mới của DAPRA hoàn toàn tương xứng với chương trình Status-6 Nga đang phát triển.

Theo công bố của DAPRA, hãng chế tạo Northrop Grumman được chọn là nhà phát triển chính của chương trình Hunter với nguyên mẫu tàu lặn cỡ lớn và trang bị kèm theo mang tên XLUUV.

Từ thiết bị lặn không người lái khổng lồ

Tháng 10-2017, Lầu Năm góc đã đề nghị hãng chế tạo Boeing và Lockheed Martin phát triển nguyên mẫu tàu lặn không người lái Orca (Cá voi sát thủ) dựa trên nền tảng công nghệ của XLUUV. Thiết bị lặn Orca dự kiến dài tới 40m và Hải quân Mỹ sẽ cần tới 9 thiết bị lặn như vậy cho các nhiệm vụ trong tương lai.

Yêu cầu chính đối với thiết bị lặn Orca là khả năng hoạt động tự hành ở khoảng cách lớn, mà không cần kết nối với trung tâm điều khiển. Thiết kế của thiết bị lặn mới cũng được mô-đun hóa để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Mỹ phát triển ICBM dưới lòng biển - Ảnh 1.

Mỹ phát triển ICBM dưới lòng biển - Ảnh 2.

Tàu lặn thử nghiệm công nghệ Echo Voyager đang thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ áp dụng trên thiết bị lặn Orca trong tương lai.

Nếu việc thử nghiệm thiết bị lặn Orca hoàn tất sẽ là bước nhảy vọt về công nghệ thiết bị lặn không người lái trên thế giới. Orca sẽ giúp nối dài khả năng tác chiến của Hải quân Mỹ vượt qua tầm 300km.

Giới chuyên gia Mỹ đánh giá, thiết bị lặn Orca hoàn toàn có khả năng hoạt động liên tục dưới lòng biển trong vòng vài tháng với tầm hoạt động tới 12.000km.

Theo thiết kế của hãng Boeing, thiết bị lặn Orca sử dụng động cơ diesel-điện tương tự như trên các tàu ngầm thông thường hiện nay. Công nghệ này đang được Boeing thử nghiệm trên tàu lặn thử nghiệm công nghệ Echo Voyager. Nếu mọi việc diễn ra đúng dự kiến, hoạt động của thiết bị lặn Orca sẽ chỉ còn phụ thuộc vào lượng dầu diesel mang theo.

Mặc dù cả hãng Boeing và Lockheed Martin đều khẳng định, thiết bị lặn Orca được phát triển với mục đích trinh sát, quét mìn và vận chuyển hàng hóa dưới nước, nhưng Hải quân Mỹ đang tính tới khả năng sử dụng thiết bị lặn không người lái cho nhiệm vụ tác chiến săn ngầm và chống lại mục tiêu trên mặt đất.

Căn cứ vào thiết kế của thiết bị lặn Orca, nhiều chuyên gia quân sự Nga cũng hoài nghi về nhiệm vụ “hòa bình” của nó.

“Với kích thước tổng thể lớn, thiết bị lặn Orca hoàn toàn có thể được sử dụng cho các nhiệm vụ khác so với thiết kế ban đầu như: Săn ngầm hoặc mang vũ khí tấn công”, chuyên gia quân sự Nga Denis Fedutinov đánh giá.

Trong khi đó, trên các diễn đàn quân sự, nhiều nhà phân tích và chuyên gia quân sự Mỹ đánh giá, thiết bị lặn Orca hoàn toàn đủ khả năng mang đầu đạn hạch tâm để tấn công các mục tiêu cơ sở hạ tầng ven biển của đối phương.

Vũ khí đối trọng với Status-6 của Nga

Những đồn đoán về nhiệm vụ thực tế của chương trình phát triển thiết bị lặn Orca càng trở nên sôi động sau thông tin tiết lộ gần đây về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược dựa trên thiết bị lặn hạng nặng Status-6 của Nga.

Xét về chức năng, cả “cá voi sát thủ” và Status-6 có nét tương đồng ở khả năng hoạt động lâu dài dưới lòng đại dương và khả năng mang vũ khí hủy diệt khi cần.

Status-6 được thiết kế để lặn xuống độ sâu 1.000m, tầm hoạt động tới 10.000km. Nhờ hoạt động ở độ sâu lớn, rất khó có thể phát hiện, cũng như ngăn chặn Status-6.

Với vụ khí hạch tâm mang theo, Status-6 có thể mang vũ khí hạt nhân hạng nặng, tạo ra sóng thần tấn công cơ sở hạ tầng ven biển của đối phương. Thông tin về Status-6 được tiết lộ đã gây sự quan ngại lớn đối với giới chức quân sự Mỹ.

Mỹ phát triển ICBM dưới lòng biển - Ảnh 3.

Vũ khí hạch tâm hạng nặng do các thiết bị lặn không người lái mang theo có thể tạo ra sức công phá khủng khiếp, tàn phá cơ sở hạ tầng ven biển của đối phương.

“Về nguyên tắc, để đánh chặn Status-6 cần sử dụng ngư lôi mang vũ khí hạt nhân. Status-6 chính là một phần trong hệ thống đáp trả hạt nhân tự động Perimeter của Nga”, chuyên gia D. Fedutinov nhận xét.

Sự khác biệt giữa Status-6 và Orca là nằm ở việc Status-6 thiết kế để tấn công mục tiêu nhanh nhất có thể với động cơ áp dụng công nghệ siêu khoang, còn Orca sử dụng động cơ thông thường đáp ứng khả năng hoạt động lâu dài dưới biển. 

Giới chuyên gia quân sự Nga đánh giá, dù có nhiều tiềm năng, nhưng người Mỹ sẽ còn mất nhiều thời gian để hoàn thiện thiết bị lặn Orca.

“Còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết xung quanh chương trình phát triển thiết bị lặn Orca. Việc quan trọng là phải đảm bảo khả năng hoạt động an toàn và tin cậy của hệ thống, khi thiết bị lặn này hoạt động ở tốc độ thấp và cần được hộ tống”, chuyên gia Igor Denisov, lãnh đạo Quỹ phát triển Các dự án tương lai Nga, nhận định.

Hiện tại, cả Lockheed Martin và Northrop Grumman đang tích cực phát triển chương trình thiết bị lặn Orca. 

Đại diện Lockheed Martin khẳng định, việc phát triển thiết bị Orca đang là ưu tiên hàng đầu của hãng và giai đoạn thiết kế đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2020, còn Northrop Grumman xác nhận, hãng này đã lên kế hoạch 45 tuần để hoàn thành chương trình phát triển Hunter.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại