Kênh Fox News hôm 12-2 cho biết động thái trên của Lầu Năm Góc nhằm mục đích củng cố chiến lược ngăn chặn Nga trong khu vực. Đó là lý do Mỹ triển khai thêm lực lượng, tăng tính cơ động và gửi hệ thống chiến đấu bọc thép đa năng Stryker tới châu Âu.
Một báo cáo của tập đoàn RAND (Mỹ) gần đây chỉ ra các khu vực trọng tâm chú ý của người Nga không chỉ là "điểm nóng" Baltic mà còn cả các khu vực nói tiếng Slav thuộc phần phía Nam của Đông Âu.
Stryker phiên bản nâng cấp
Hệ thống chiến đấu bọc thép này (không còn là phương tiện chiến đấu bọc thép thông thường) được Lầu Năm Góc trang bị vũ khí phòng không tầm ngắn – bao gồm các tên lửa Hellfire, Stinger và Javelin.
Các loại vũ khí phòng không trên Stryker cùng các vũ khí thuộc chương trình SHORAD có khả năng nhận ra và tiêu diệt UAV, máy bay trực thăng, máy bay tầm thấp và thậm chí một số tên lửa đang đến gần.
Theo đó, chương trình SHORAD – trong đó kết hợp với pháo nòng 30 mm mạnh hơn, UAV tấn công và vũ khí laser – cho thấy quân đội Mỹ muốn chuyển nền tảng chiến đấu bọc thép sang hướng "đe dọa". Lầu Năm Góc đang lên kế hoạch chế tạo nguyên mẫu Stryker SHORAD đầu tiên trong năm nay, sau đó tiến tới sản xuất 144 hệ thống hoàn chỉnh.
So với một khẩu súng máy M2 hiện gắn trên Stryker, pháo nòng 30 mm được thiết kế để cải thiện cả tầm bắn (xa gấp đôi) lẫn độ sát thương.
Các nhà phát triển vũ khí của General Dynamics Land Systems (Mỹ) cho hay một UAV giám sát cất cánh thẳng đứng nhỏ gọi là Shrike 2 phóng từ tháp pháo của Stryker sẽ cảm nhận, tìm và theo dõi mục tiêu của địch. Sau đó, bằng cách sử dụng liên kết dữ liệu video tiêu chuẩn, nó có thể hoạt động song song với tên lửa tấn công để tiêu diệt mục tiêu mà nó tìm thấy.
Ngoài ra, trong những tháng gần đây, các nhà quản lý chương trình SHORAD đã thảo luận về tầm quan trọng của vũ khí laser năng lượng cao di động tích hợp trên Stryker. Trước đó, hệ thống laser công suất 5 KW đã bắn trúng mục tiêu không người lái của đối phương trong quá trình thử nghiệm.
Hệ thống trên Stryker sử dụng radar theo dõi băng tần Ku để thu nhận mục tiêu tự động trong trường hợp các cảm biến khác bị vô hiệu hóa. Laser còn cho phép phòng thủ và tấn công thầm lặng, mang lại lợi thế chiến thuật đáng kể.
Stryker SHORAD dự kiến được triển khai đến những nơi bộ binh Mỹ không có hỏa lực hoặc ít khả năng cơ động. Nga vốn được trang bị rốc-két, tên lửa và hỏa lực nhỏ. Về lý thuyết, SHORAD mang lại một hệ thống phòng không cơ động và bọc thép, làm được những điều mà hầu hết tên lửa mặt đất lớn hơn, ít cơ động hơn không thể làm được.
Ví dụ, tên lửa Patriot phù hợp đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm trung đang bay tới và các mối đe dọa tấn công khác. Trong trường hợp di động, nó có thể có ít khả năng hỗ trợ bộ binh bằng cách tấn công máy bay trực thăng và UAV di chuyển nhanh của đối phương.
Thêm vào đó, lữ đoàn Stryker có thể di chuyển quãng đường dài với tốc độ 96 km/h, giúp đối phó với khả năng huy động lực lượng nhanh chóng của Nga.
Nga sẽ phát triển vũ khí dựa trên các nguyên tắc vật lý mới. Ảnh: Sputnik
Nga phát triển vũ khí
Hôm 13-2, văn phòng Phó Thủ tướng Nga Yury Borisov nói với đài Sputnik rằng quân đội nước này sẽ phát triển vũ khí dựa trên các nguyên tắc vật lý mới, tạo ra tàu vũ trụ nhỏ, vũ khí dựa trên các nguyên lý vật lý mới, nền tảng thông tin địa lý quân sự, hệ thống thủy âm để phát hiện và phát triển công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) cho công nghiệp quốc phòng.
Vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cao công nghệ quân sự mới khi đến thăm TP Anapa và dự kiến huy động mọi nguồn lực để phát triển ý tưởng này vào cuối năm 2019. Ý tưởng do Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đề xuất lần đầu tiên vào năm 2013.