Hôm 25/8 quân đội Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận thường niên kéo dài 2 ngày tại quần đảo Dokdo, mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Takeshima, ở bờ biển phía Đông Hàn Quốc.
Động thái đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Nhật Bản, nhất là khi diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hàn Quốc quyết định hủy bỏ Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự giữa hai nước. Những diễn biến căng thẳng leo thang này đã đặt Mỹ vào thế khó, bởi đây đều là những đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Á.
Theo Quân đội Hàn Quốc, tham gia tập trận có các lực lượng Hải quân, Không quân và Lục quân, gồm nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu, cũng như các binh sĩ của lực lượng bộ binh và lính thủy đánh bộ. Trong một phản ứng đầu tiên, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã chỉ trích những cuộc tập trận này là không thể chấp nhận được và cho biết đã gửi công hàm yêu cầu phía Hàn Quốc ngừng tập trận.
Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Dokdo (theo tiếng Hàn Quốc) hay Takeshima (theo tiếng Nhật Bản) từ lâu đã là vấn đề gây căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Hàn Quốc kiểm soát quần đảo đá trên Biển Nhật Bản này từ năm 1945, khi kết thúc 35 năm phát xít Nhật đô hộ Bán đảo Triều Tiên. Nhật Bản cũng đòi chủ quyền đối với quần đảo này và cáo buộc Hàn Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Người đứng đầu Cục các vấn đề châu Á và đại dương của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kenji Kanasugi hôm nay cũng một lần nữa khẳng định, hòn đảo này là một phần vốn có của lãnh thổ Nhật Bản.
Những căng thẳng ngày một leo thang giữa Hàn Quốc và Nhật Bản khiến Mỹ không thể thờ ơ. Bởi đây là hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại châu Á. Tờ Le Monde của Pháp mới đây dẫn phát biểu đầy lo ngại của Tổng thống Donald Trump hôm 9/8 vừa qua, trong đó nhấn mạnh “Hàn Quốc và Nhật Bản đang không ngừng đối đầu nhau. Họ phải tăng cường nỗ lực hiểu biết lẫn nhau bởi chính họ đang đặt nước Mỹ vào tình huống tế nhị.”
Liệu nhà lãnh đạo Mỹ có thể thuyết phục được hay không Hàn Quốc và Nhật Bản nói chuyện trở lại với nhau và ra khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc đến mức mà cả sứ mệnh hòa giải của Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đều không mang lại kết quả? Dù Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định sẽ không để những căng thẳng hiện nay ảnh hưởng đến hợp tác Mỹ- Nhật- Hàn, song rõ ràng liên tiếp những cú sốc trong quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản cũng khiến Mỹ phải “hao tâm tổn sức”.
Ông Abe nói: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Nhật Bản đều cố gắng xử lý vấn đề để không gây ảnh hưởng tới sự hợp tác giữa Nhật Bản với Mỹ và Hàn Quốc trong các vấn đề về an ninh Đông Bắc Á hiện nay. Chúng tôi muốn giải quyết vấn đề nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực thông qua hợp tác với Mỹ, cũng như là để đảm bảo an ninh của Nhật Bản”.
Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản bắt đầu xấu đi từ cuối năm ngoái liên quan tới các lao động cưỡng bức thời chiến. Căng thẳng leo thang sau khi Nhật Bản thắt chặt hoạt động xuất khẩu vật liệu công nghệ cao, quan trọng đối với ngành công nghiệp bán dẫn và điện thoại thông minh của Hàn Quốc, một sự leo thang lớn trong tiến trình đối địch giữa hai bên và mới đây nhất là quyết định của Hàn Quốc hủy bỏ Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự giữa hai nước.
Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh khu vực hiện nay, vai trò trọng tài của Mỹ là rất quan trọng, song cũng không hề dễ dàng. Bởi cũng như trong quá khứ, vấn đề vẫn là những câu hỏi đau đầu liên quan đến lịch sử, song lại với một quy mô khác, một bối cảnh khác. Cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều có những tính toán của riêng mình và sẽ không dễ dàng nhượng bộ. Nước Mỹ có thể can thiệp và yêu cầu hai bên phải xuống nước, những chắc chắn sẽ tránh can dự vào cuộc tranh cãi. Lá bài vẫn nằm trong tay chính người Nhật Bản và Hàn Quốc./.