Mỹ nói đạt được kết quả rất quan trọng sau chuyến thăm của TT Biden, Riyadh liền phản bác

An An |

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa kết thúc chuyến thăm Trung Đông và trở lại Wahington.

Tổng thống Biden chỉ cụng tay với Thái tử Ả rập Xê Út. Ảnh: DW

Tổng thống Biden chỉ cụng tay với Thái tử Ả rập Xê Út. Ảnh: DW

Chỉ cụng tay thay vì bắt tay

Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden là Jeddah, thành phố lớn thứ hai ở Ả Rập Xê Út, nơi tổ chức các cuộc gặp với Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman bin Abdulaziz và Thái tử Ả Rập Xê Út Saudi Mohammed Bin Salman (15/7).

Jeddah được coi là điểm dừng chân được quan tâm trong chuyến công du lần này của Tổng thống Mỹ.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út đã trở nên xấu đi trong những năm gần đây khi ông Biden yêu cầu Thái tử Saudi Mohammed Bin Salman phải chịu trách nhiệm về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Do đó, vào ngày diễn ra chuyến thăm, giới truyền thông đã bắt gặp hình ảnh rất đặc biệt: Tổng thống Biden chỉ cụng tay Thái tử Ả Rập Xê Út nhưng lại bắt tay với quốc vương nước này.

Theo Washington Post (Mỹ), trước chuyến đi, để tránh bối rối do cả hai bên, quan chức Nhà Trắng cho biết việc tiếp xúc cơ thể giữa Tổng thống Biden với người khác sẽ bị hạn chế do lo ngại về dịch bệnh Covid-19.

Cụng tay dù được coi như một cử chỉ thiện chí vẫn gây ra tranh cãi trái chiều trong chuyến thăm của Tổng thống Biden.

Mỹ nói đạt được kết quả rất quan trọng sau chuyến thăm của TT Biden, Riyadh liền phản bác - Ảnh 1.

Tổng thống Biden bắt tay Quốc vương Ả rập Xê Út. Ảnh: Reuters

Về việc tăng sản lượng khai thác dầu

Lạm phát của Mỹ đã tăng lên 9,1% trong tháng 6, được coi là cuộc khủng hoảng lạm phát tồi tệ nhất trong gần 41 năm. Trước chuyến đi, Bloomberg dẫn lời các quan chức Mỹ nói rằng, sẽ không có tuyên bố lớn nào về việc tăng nguồn cung dầu toàn cầu nhưng đối với Tổng thống Biden, người chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ, chuyến đi vẫn hướng đến việc "tăng sản lượng dầu".

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Ả Rập Xê Út, Mỹ và Ả Rập Xê Út đã ký 18 thỏa thuận và biên bản ghi nhớ, liên quan đến hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đầu tư, truyền thông, vũ trụ, y tế và các lĩnh vực khác.

Tờ New York Times (Mỹ) cho biết, các quan chức Mỹ đã công bố một thỏa thuận rộng rãi với Ả Rập Xê Út về các lĩnh vực bao gồm mở rộng nguồn cung dầu, xây dựng mạng viễn thông 5G, mở cửa không phận Ả Rập Xê Út cho các chuyến bay thương mại từ Israel và gia hạn thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen.

"Tôi đang làm mọi thứ có thể để tăng nguồn cung cho Mỹ và tôi hy vọng điều đó sẽ xảy ra", ông Biden nói sau cuộc họp với các quan chức Ả Rập Xê Út, đồng thời cho biết thêm, ông dự đoán sẽ có những động thái tiếp theo "trong những tuần tới".

Tuy nhiên, trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, Ả Rập Xê Út không đề cập đến việc tăng nguồn cung dầu, chỉ nói rằng hai nước "tái khẳng định cam kết đối với sự ổn định của thị trường năng lượng toàn cầu" và rằng Mỹ "hoan nghênh cam kết của Ả Rập Xê Út trong việc hỗ trợ sự cân bằng của các thị trường dầu mỏ toàn cầu".

Hãng tin Reuters đưa tin, Ả Rập Xê Út gần đây đã tăng hơn gấp đôi lượng dầu nhập khẩu của Nga và tăng dầu thô cho xuất khẩu, trong nỗ lực tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây đồng thời tăng tỷ suất lợi nhuận.

"Thông điệp từ Saudi là bạn không thể yêu cầu chúng tôi phải làm gì, chúng tôi sẽ giúp bạn ở phạm vi phù hợp với chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ không đi ngược lại lợi ích của chính mình", Esfan Dili thuộc Tổ chức phi chính phủ Crisis Group nói với tờ Guardian (Anh).

Mỹ nói đạt được kết quả rất quan trọng sau chuyến thăm của TT Biden, Riyadh liền phản bác - Ảnh 2.

Tổng thống Biden và Thái tử Ả rập Xê Út. Ảnh: Reuters

Mỹ nói đạt được "kết quả hữu hình"

Ngay sau cuộc hội đàm với lãnh đạo Ả Rập Xê Út, Tổng thống Biden đã vui mừng tuyên bố với giới truyền thông rằng, ông đã hoàn thành một số mục tiêu "rất quan trọng". Tổng thống Mỹ lần đầu tiên đề cập đến việc mở cửa không phận Ả Rập Xê Út, điều mà ông liên tục ca ngợi là "một sự kiện lớn" và "không chỉ là một biểu tượng, mà là một kết quả hữu hình".

"Như tất cả các bạn đã thấy sáng nay, Ả Rập Xê Út sẽ mở cửa không phận cho tất cả các hãng hàng không dân dụng. Đó là một sự kiện lớn, một sự kiện rất lớn. Nó không chỉ mang tính biểu tượng, đó là một kết quả hữu hình.... Điều này có nghĩa là không phận Ả Rập Xê Út sẽ mở cửa cho các chuyến bay tới và rời Israel", tờ Guancha (Trung Quốc) dẫn lời ông Biden.

Tổng thống Mỹ tiếp tục nhấn mạnh rằng, ông mong muốn Ả Rập Xê Út và Israel đạt bình thường hóa và quyết định của Ả Rập Xê Út là "bước đầu tiên thực chất" để đạt được mục tiêu đó.

Trước đó, bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Palestine-Israel và các yếu tố khác, nhiều quốc gia ở Trung Đông không có quan hệ ngoại giao với Israel, và Ả Rập Saudi trước đây cũng không cho phép Israel sử dụng không phận của mình.

Tuy nhiên, mặc dù Mỹ đánh giá cao kết quả của chuyến thăm thì phía Ả Rập Xê Út dường như không mấy mặn mà.

Tờ Times of Israel ngày 16/7 cho biết, chỉ một ngày sau phát ngôn của Tổng thống Biden, Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út Faisal Bin Farhan Al Saud nói rằng, quyết định mở cửa không phận cho tất cả các hãng hàng không dân dụng không liên quan gì đến quan hệ ngoại giao với Israel. Theo bất kỳ phương diện nào, đó không phải là màn dạo đầu cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Israel.

"Không, điều này không liên quan đến quan hệ ngoại giao của chúng tôi với Israel", ông Faisal nói. "Quyết định liên quan được đưa ra ... đó là nhằm để kết nối các quốc gia trên thế giới và chúng tôi muốn làm cho cuộc sống của khách du lịch trở nên dễ dàng hơn, nhưng đó không phải là khúc dạo đầu cho bất kỳ hành động nào tiếp theo".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại