Mỹ ngăn cản Trung Quốc chế tạo siêu vũ khí bằng cách nào?

Sputnik |

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Mỹ cho biết Trung Quốc sử dụng siêu máy tính cho các tính toán phức tạp cần thiết để phát triển vũ khí siêu thanh.

Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen 7 công ty thiết kế và sản xuất siêu máy tính Trung Quốc. Giờ đây, các nhà cung cấp Mỹ sẽ không thể hợp tác với họ nếu không có giấy phép đặc biệt từ Bộ Thương mại Mỹ.

Có thông tin cho rằng biện pháp này nhằm hạn chế việc cung cấp công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc, bao gồm cả trong khu liên hợp công nghiệp-quân sự.

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại Mỹ cho biết Trung Quốc sử dụng siêu máy tính cho các tính toán phức tạp cần thiết để phát triển vũ khí siêu thanh. Và mặc dù các công ty tham gia phát triển siêu máy tính không liên kết trực tiếp với quân đội Trung Quốc, thì Washington vẫn tin rằng những công nghệ này cũng có thể ứng dụng trong quân sự.

Bộ Thương mại Mỹ giải thích các công ty bị trừng phạt có thể hợp tác với bộ quốc phòng Trung Quốc. Ngoài ra, họ còn sản xuất các sản phẩm được quân đội sử dụng.

Ví dụ, doanh nghiệp sản xuất chip Phytium, theo báo WP, hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Khí động học. Ấn phẩm Mỹ chỉ ra chip Phytium được sử dụng trong sản xuất siêu máy tính, thực hiện các phép tính phức tạp để phát triển vũ khí siêu thanh và các mẫu thiết bị quân sự hiện đại khác.

Quy định kiểm soát xuất khẩu

Như vậy, Bộ Thương mại Mỹ quyết định áp dụng các quy tắc quản lý xuất khẩu, hạn chế bán ra các sản phẩm và công nghệ lưỡng dụng.

Ngoài Phytium, "danh sách đen" còn bao gồm Trung tâm Phát triển vi mạch High-Performance Thượng Hải, Sunway Microelectronics, Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia ở Tế Nam, Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia ở Thẩm Quyến, Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia ở Vô Tích và Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia ở Trịnh Châu.

Các nhà sản xuất Mỹ sẽ không thể hợp tác với đối tác Trung Quốc trong danh sách trừng phạt nếu không có giấy phép đặc biệt từ Bộ Thương mại.

Đồng thời, bộ thương mại Mỹ cũng không giấu giếm thực tế trong phần lớn các trường hợp, họ sẽ từ chối cấp các giấy phép này. Như Washington cho biết, các biện pháp hiện tại sẽ hạn chế rất nhiều cơ hội phát triển cho các công ty Trung Quốc, vì họ phụ thuộc vào công nghệ Mỹ trong các hoạt động của mình.

Ví dụ, nhà sản xuất chip siêu máy tính Phytium, theo WP, mua bộ công cụ phần mềm để tự động hóa thiết kế các thiết bị điện tử từ American Cadence Design Systems Inc. và Synopsys. Các biện pháp đã có hiệu lực, nhưng các hạn chế này không áp dụng cho các sản phẩm đã được gửi cho khách hàng ở Trung Quốc, theo tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ nói.

Tiếp tục chính sách trừng phạt của Trump đối với Trung Quốc

Có vẻ như chính quyền Joe Biden đã quyết định tiếp tục chính sách trừng phạt của Donald Trump đối với Trung Quốc. Trump đã đưa ra các biện pháp tương tự vào năm 2019 chống lại gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.

Tuy nhiên, trong vấn đề Huawei, Trump đã đi xa hơn và ngay trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, ông đã áp dụng "Foreign direct product rule" ("Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài") - cấm cung cấp cho Huawei các sản phẩm được sản xuất ở các nước thứ ba nếu có sử dụng công nghệ Mỹ trong đó theo bất kỳ cách nào.

Việc đưa các nhà sản xuất siêu máy tính Trung Quốc vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ hiện nay, phát ngôn viên của Ủy ban Đối ngoại Đảng Cộng hòa Michael McCall, gọi là "biện pháp nửa vời", vì chúng không hạn chế sự hợp tác của các công ty trên với các nhà sản xuất từ các quốc gia khác.

Ngay trước khi các công ty Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen, WP đã công bố một bài báo dài nói các nhà phát triển siêu máy tính và giới quân sự Trung Quốc chủ yếu dựa vào nhà sản xuất chip Đài Loan TSMC để sản xuất các linh kiện điện tử quan trọng.

Mặc dù thực tế các công ty Mỹ sở hữu những công nghệ quan trọng trong lĩnh vực phát triển chất bán dẫn, việc sản xuất chip trong những năm gần đây chủ yếu do hai công ty - TSMC và Samsung, thực hiện.

Chính những doanh nghiệp này vượt xa các đối thủ cạnh tranh và tích lũy được những năng lực quan trọng nhất trong công nghệ sản xuất tiên tiến. Ngoài ra, còn có công ty Hà Lan ASML, cung cấp thiết bị in thạch bản để sản xuất chip.

Trung Quốc đối với các công ty sản xuất chip là thị trường quan trọng nhất cho các sản phẩm của họ. Trung Quốc mua hàng năm trị giá 300 tỷ đô la - nhiều hơn cả dầu thô.

Vì vậy, bất chấp áp lực chính trị từ Mỹ, các nước khác trước hết hoạt động từ lợi ích quốc gia của mình. Do đó, tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc là hạn chế, theo Shen Shishun, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, nói với Sputnik.

"Mỹ chắc chắn hy vọng các đồng minh của mình sẽ hành động tiếp sau áp lực trừng phạt và chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, và sẽ hạn chế bán các sản phẩm và công nghệ cho Bắc Kinh.

Nhưng thực tế không phải lúc nào các quốc gia khác cũng sẽ đứng về phía Washington và hành động theo chỉ thị của Mỹ. Suy cho cùng, mỗi quốc gia đều hoạt động theo lợi ích quốc gia của mình.

Tất nhiên, một số nước có thể bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với các hành động của Mỹ ở mức độ lời nói. Nhưng trong những hành động thiết thực, trước hết họ sẽ tuân theo lợi ích của chính mình.

Hơn nữa, Trung Quốc đang tham gia đối thoại tích cực với các quốc gia khác nhau về hợp tác khoa học, kỹ thuật. Nhìn chung, nhân loại không thể phát triển nếu không có sự hợp tác lẫn nhau giữa các nước, và chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển chung trong các lĩnh vực khác nhau".

Chương trình "Sản xuất tại Trung Quốc - 2025"

Nhiều năm qua, Trung Quốc nỗ lực giành độc lập về công nghệ trong các lĩnh vực then chốt như chất bán dẫn, y sinh, trí tuệ nhân tạo, khoa học não bộ...Từ năm 2015, Trung Quốc đã công bố chương trình "Sản xuất tại Trung Quốc -2025", bao gồm chiến lược thay thế nhập khẩu, giới thiệu những đổi mới của riêng mình và cập nhật gần như toàn bộ cơ sở công nghiệp chủ chốt của đất nước.

Đối với Trung Quốc, việc phát triển các công nghệ nền tảng của riêng mình là điều kiện tiên quyết để tiến lên chuỗi giá trị toàn cầu.

Do mức sống của đất nước ngày càng tăng lên - chính quyền gần đây đã tuyên bố xóa đói giảm nghèo - để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình và đảm bảo sự phát triển tiến bộ hơn nữa, Trung Quốc cần tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Vì vậy, các biện pháp trừng phạt của Mỹ chỉ thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc về tính đúng đắn của đường lối đã chọn trước đó, và thúc đẩy sự phát triển các sáng tạo của chính mình, chuyên gia Shen Shishun nói.

"Tôi không nghĩ sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lớn. Ngược lại, sẽ tạo ra những động lực mạnh mẽ để phát triển hơn nữa. Kinh nghiệm trong những năm trước cho thấy Mỹ càng nỗ lực kiềm chế, thì Trung Quốc càng phát triển nhanh, công nghệ của chính mình càng trở nên tiên tiến. Vì vậy, các biện pháp hiện nay, như trước đây, sẽ không có tác dụng kìm hãm sự phát triển khoa học và công nghệ của Trung Quốc”.

Không chỉ giới hạn ở các biện pháp trừng phạt hiện tại

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã lên lịch điều trần vào ngày 14/4, trong đó sẽ xem xét Đạo luật "Cạnh tranh Chiến lược", nhằm đối đầu với Trung Quốc. Tài liệu dài gần 300 trang này xem xét sự bế tắc trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong hầu hết mọi lĩnh vực - từ công nghệ, quân sự đến các vấn đề nhân quyền.

Đạo luật đang được xem xét nhằm gia tăng nghiêm túc ngân sách để cạnh tranh với Bắc Kinh, mở rộng quyền hạn của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ, đồng thời đề xuất xác lập một vị trí riêng trong mỗi bộ ngành chịu trách nhiệm về việc đối đầu với Trung Quốc.

Trung Quốc phản đối mạnh mẽ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói Bắc Kinh dự định thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc.

Ông không nói rõ chính xác các biện pháp trừng phạt trả đũa sẽ như thế nào, nhưng xét từ các sự kiện gần đây, Trung Quốc sẵn sàng đáp trả, ít nhất là đối xứng hoặc thậm chí gay gắt hơn, trước các cuộc tấn công của Mỹ.

Sau khi EU, Mỹ, Canada, Anh áp đặt các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với các quan chức Trung Quốc bị cáo buộc liên quan đến việc vi phạm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ, Bắc Kinh đã ra các biện pháp trả đũa, không chỉ đối với các cá nhân cụ thể mà còn cả với các cấu trúc chính trị EU, và thậm chí cả các chuyên gia, tổ chức phân tích.

Nhưng ngay cả khi Trung Quốc kiềm chế trước các biện pháp trừng phạt cứng rắn lần này, doanh nghiệp Mỹ vẫn sẽ thiệt hại khi bị hạn chế hợp tác với Trung Quốc. Khi Donald Trump áp đặt các lệnh trừng phạt đầu tiên đối với Huawei, các công ty Mỹ cho rằng họ sẽ thất thu hơn 10 tỷ USD doanh thu hàng năm - là số tiền riêng Huawei chi ra để mua các sản phẩm của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại