Mỹ “bật đèn xanh” bán tiêm kích F-16 cho Đài Loan
Theo hãng tin Bloomberg, các quan chức chính phủ Mỹ đã ngầm đồng ý với đề nghị của Đài Loan về việc mua hơn 60 máy bay chiến đấu F-16 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất, tạo tiền đề cho một thỏa thuận vũ khí đầu tiên giữa hai bên kể từ năm 1992.
Ông Wu Shang-su, nghiên cứu sinh tại Trường chính sách nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) cho hay: “Đối với Bắc Kinh, đó sẽ là một cú sốc lớn. Song đó là một cú sốc về mặt chính trị hơn là về quân sự”.
Bình luận về thông tin Mỹ “bật đèn xanh” bán F-16 cho Đài Loan, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm ngày 28-3 cho hay Trung Quốc hoàn toàn phản đối những thỏa thuận như vậy dành cho Đài Loan và bất kỳ phát ngôn hay hành động nào làm suy yếu chính sách “Một Trung Quốc” là cực kỳ nguy hiểm.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu tại một cuộc họp báo như sau:
“Tôi xin nhắc lại sự phản đối dứt khoát và kiên quyết việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan. Trung Quốc đã gửi công hàm phản đối mạnh mẽ tới phía Mỹ về vấn đề này.
Chúng tôi yêu cầu Mỹ hoàn toàn nhận thức rõ mức độ nhạy cảm và sự tác động nghiêm trọng của vấn đề này, tuân thủ các cam kết của Mỹ đối với nguyên tắc “ Một Trung Quốc "… đồng thời ngừng bán vũ khí cũng như hợp tác quân sự với Đài Loan”.
Mỹ bị ràng buộc bởi Đạo luật Quan hệ với Đài Loan ký với hòn đảo này vào năm 1979. Theo đó, Mỹ có nghĩa vụ cung cấp mọi trang thiết bị vũ khí cần thiết để Đài Loan duy trì khả năng tự vệ. Do lo ngại phản ứng tiêu cực từ Trung Quốc, kể từ năm 2002, Washington đã nhiều lần từ chối các đề xuất của Đài Loan về việc bán vũ khí cho hòn đảo này.
Tờ South China Morning Post cho biết, trong chuyến thăm Hawaii tuần trước, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết một thỏa thuận mua bán máy bay chiến đấu mới với Mỹ sẽ “nâng cao đáng kể năng lực không quân và mặt đất của Đài Loan, đồng thời tăng cường sức mạnh quân sự và chứng minh cho thế giới thấy cam kết của Mỹ với việc phòng vệ của Đài Loan”.
Dòng máy bay chiến đấu F-16V mà Đài Loan đề nghị mua từ Mỹ được cải tiến trở thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư tiên tiến nhất trên thế giới, gồm radar và hệ thống điện tử hàng không hiện đại nhất. F-16 sẽ giúp Đài Loan đáp trả các sự cố diễn ra hàng ngày như các cuộc xâm phạm không phận.
Trung Quốc điều tiêm kích áp sát Đài Loan
Cơ quan phòng vệ Đài Loan thông báo hòn đảo này đã điều máy bay xua đuổi và phát cảnh báo sau khi hai máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc vượt qua “đường ranh giới” ở eo biển Đài Loan, nơi chia tách Đài Loan và Trung Quốc đại lục, vào sáng ngày 31-3, theo tờ The Japan Times.
“Vào lúc 11 giờ ngày 31-3, hai máy bay J-11 của không quân Trung Quốc đã xâm phạm thỏa thuận ngầm được duy trì từ lâu khi vượt qua đường ranh giới ở eo biển Đài Loan. Đây là hành động cố ý, liều lĩnh và khiêu khích. Chúng tôi đã thông báo cho các đối tác khu vực và lên án Trung Quốc vì hành động này”, thông báo của cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết.
Các thành viên của Cục An ninh Đài Loan tham gia một cuộc diễn tập tại trụ sở ở Đài Bắc. Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc đã tăng cường triển khai máy bay chiến đấu và tàu chiến di chuyển gần Đài Loan hoặc đi qua eo biển Đài Loan trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, Bắc Kinh hiếm khi điều máy bay hoặc tàu chiến vượt qua đường ranh giới trên biển cắt ngang eo biển Đài Loan.
Truyền thông Đài Loan cho biết lần gần đây nhất các máy bay Trung Quốc vượt qua đường ranh giới này là vào năm 2011. Khi đó, cả Đài Loan và Trung Quốc đại lục đều xem đây là sai sót không cố ý của hai máy bay Trung Quốc khi xua đuổi một máy bay do thám Mỹ gần đó.
Thế nhưng, trong vụ việc xảy ra hôm 31-3, Đài Loan mô tả đây là hành động “cố ý xâm phạm” của máy bay Trung Quốc. Alex Huang, người phát ngôn của văn phòng lãnh đạo Đài Loan, gọi hành động của máy bay chiến đấu Trung Quốc là “khiêu khích và phá hủy hiện trạng của eo biển”.