Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia phát biểu trong 1 phiên họp của Hội đồng Bảo an năm 2018. Ảnh: AP
Trong cuộc phỏng vấn mới đây của PBS cho chương trình Firing Line, bình luận viên Margaret Hoover đã nhắc tới lời kêu gọi loại Nga khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của Tổng thống Zelensky khi trò chuyện với Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield.
Đề cập tới vấn đề này, bà Thomas-Greenfield thừa nhận, hiện tại không có thay đổi gì về vị trí thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc nhưng Washington sẽ tiếp tục tìm cách cô lập Moscow. Nội dung phỏng vấn được đăng tải trên trang web chính thức của phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc.
"Nga có vị trí thường trực [trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc] và tôi thấy hiện tại sẽ không có bất cứ thay đổi nào về chuyện đó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ duy trì nỗ lực nhằm cô lập họ", bà Thomas-Greenfield cho biết.
Trước đó, Mỹ cũng từng khẳng định Nga sẽ tiếp tục là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Hồi đầu tháng 4, thư ký truyền thông Nhà Trắng Jen Psaki nói: nước Mỹ không cho rằng vị trí của Nga sẽ thay đổi.
Ngày 26/4, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết do Liechtenstein khởi xướng, yêu cầu 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an phải giải thích lý do nếu dùng quyền phủ quyết. Theo nghị quyết, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ phải nhóm họp trong vòng 10 ngày nếu 1 trong số các thành viên thường trực sử dụng quyền phủ quyết của mình.
Các nước thường trực Hội đồng Bảo an - Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ - có thể dùng quyền phủ quyết để chặn các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Theo RT, quyền phủ quyết được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1946 bởi Liên Xô. Kể từ thời điểm đó, Moscow đã dùng quyền này 143 lần, nhiều hơn các nước thường trực khác.