Đó là nhận định của Công ty Công nghệ quốc gia Nga (Rostec) sau khi Mỹ trừng phạt 7 nhà tài phiệt và 17 quan chức cấp cao của Nga hôm 6-4 - đều là đồng minh của Tổng thống Vladimir Putin.
Ngoài Rosoboronexport (nhà xuất khẩu vũ khí quốc gia Nga do Rostec kiểm soát), 12 công ty thuộc sở hữu các nhà tài phiệt (bao gồm một số tên tuổi lớn của ngành năng lượng) và một ngân hàng cũng bị trừng phạt.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin lý giải động thái được xem là mạnh tay nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Moscow nhằm đáp trả sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, vào cuộc khủng hoảng Ukraine và cả Syria. 24 cá nhân và 14 thực thể nêu trên bị đóng băng tài sản ở Mỹ và người Mỹ nhìn chung bị cấm làm ăn với họ.
Trong danh sách tài phiệt bị trừng phạt, theo Reuters, có Oleg Deripaska (tỉ phú ngành nhôm từng làm việc với cựu quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông Paul Manafort); Vladimir Bogdanov (một trong những ông trùm dầu mỏ); nghị sĩ Suleiman Kerimov (có gia đình sở hữu công ty sản xuất vàng lớn nhất nước Nga Polyus); Viktor Vekselberg (chủ sở hữu Tập đoàn Renova - người giàu thứ 9 nước Nga, theo đánh giá của Tạp chí Forbes); Alexei Miller (giám đốc điều hành của tập đoàn khí đốt Gazprom)...
Ngoài ra còn phải kể tới ông Kirill Shamalov, người kết hôn với con gái út của ông Putin là cô Katerina vào năm 2013.
"Lệnh trừng phạt đã bao gồm các thuyền trưởng của kinh tế Nga. Mỹ vừa đi thêm một bước sai lầm nhằm hủy hoại sự cạnh tranh tự do và làm suy yếu hội nhập kinh tế toàn cầu" - hãng tin TASS dẫn tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Mỹ.
Còn Bộ Ngoại giao Nga đe dọa sẽ có "đáp trả mạnh mẽ", đồng thời cảnh báo Mỹ "ngừng ảo tưởng rằng có thể nói chuyện với chúng tôi bằng ngôn ngữ trừng phạt".
Trong khi giới quan sát đánh giá kinh tế Nga có thể bị tổn thương, nhất là các lĩnh vực nhôm, tài chính, năng lượng thì Rosoboronexport khẳng định "mục đích thực sự" của lệnh trừng phạt mới nhất là muốn thúc đẩy xuất khẩu vũ khí Mỹ.
Theo đài RT, Mỹ dường như khó chịu trước việc vũ khí Nga thâm nhập thành công các thị trường truyền thống của Mỹ, đặc biệt là Trung Đông, như: Bahrain, Ai Cập, Morocco, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Tunisia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ...
Trong đó, nước mua vũ khí Mỹ nhiều nhất - Ả Rập Saudi - đã ký kết một loạt hợp đồng mua vũ khí Nga trị giá 3 tỉ USD, từ hệ thống phòng không S-400, tên lửa chống tăng đến máy phóng lựu, súng trường tấn công Kalashnikov AK-103...