Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã ngày càng leo thang trong tháng qua, đúng một năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã ký kết với các cường quốc từ năm 2015 nhằm hạn chế các chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc gỡ bỏ lệnh cấm vận.
Từ tháng 5 năm ngoái, sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ đã tái áp đặt lệnh cấm vận và ra lệnh cho tất cả các quốc gia ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Iran.
Mới đây, Mỹ còn cử thêm các lực lượng của mình tới khu vực này để đáp trả cái mà Mỹ gọi là “những đe dọa từ Iran” làm gia tăng đối đầu về quân sự.
Iran đã đáp trả bằng việc đe dọa rằng, họ có thể sẽ tăng cường việc sản xuất uranium làm giàu vượt giới hạn cho phép của thỏa thuận, mặc dù cho tới nay họ vẫn chưa làm điều đó.
Khi được hỏi về việc Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 1/6 cho rằng, Iran có thể sẽ tiếp tục đàm phán nếu Washington cho thấy sự tôn trọng của họ với Iran, Ngoại trưởng Pompeo nói: “ Chúng tôi đang chuẩn bị tham gia vào cuộc nói chuyện không cần điều kiện tiên quyết. Chúng tôi đã sẵn sàng ngồi xuống”.
Tuy nhiên, ông Pompeo cho biết, Washington sẽ tiếp tục làm việc để đảo ngược các hoạt động hung hăng của Iran ở Trung Đông, trong đó có việc Iran hỗ trợ Hezbollah và chính quyền Syria.
Ông Pompeo cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã cho biết ông mong muốn đàm phán với Iran từ lâu rồi.
Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cũng nói thêm về nhận xét của ông Trump hồi năm ngoái rằng, ông muốn tổ chức các cuộc đàm phán với Iran vô điều kiện.
Đáp trả lại những lời bình luận mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ngày 2/6, Tổng thống Iran Rouhani cho rằng, điều này phụ thuộc vào Mỹ trong việc trở lại bàn đàm phán và nối lại việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015.
Phát biểu trên website của chính phủ Iran, ông Rouhani nói: “ Phía bên kia đã rời khỏi bàn đàm phán và vi phạm hiệp ước thì nên trở lại trạng thái bình thường”.
Tổng thống Iran Rouhani cũng cho rằng, lời đề nghị đàm phán vô điều kiện của Mỹ như là một dấu hiệu cho thấy sức mạnh của Iran.
Ông nói: “ Kẻ thù đôi khi cho rằng, họ ra điều kiện để đàm phán với Iran, nhưng mấy tuần nay họ lại cho rằng không cần điều kiện. Họ đã đe dọa chúng ta như thể họ là một siêu cường về quân sự, nhưng giờ đây chúng ta nói rằng, chúng ta không tìm kiếm một cuộc chiến tranh”.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết; “ Cộng hòa Hồi giáo Iran không để tâm tới mấy trò “ chơi chữ” và điều này thể hiện chương trình nghị sự ẩn giấu bên trong dưới hình thức mới”.
Cơ hội đàm phán mong manh
Trong mấy tuần gần đây, cả Mỹ và Iran đều đưa ra những lời nhận xét xung đột lẫn nhau, trong khi cả hai bên đều cho rằng, điều này phụ thuộc vào phía bên kia hành động trước.
Ngày 1/6, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, Iran có thể muốn đàm phán nếu Washington thể hiện sự tôn trọng đối với họ, nhưng cũng cho rằng Tehran sẽ không bị bắt ép ngồi vào bàn đàm phán.
Hôm thứ Tư tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông hy vọng Iran có thể ngồi vào bàn đàm phán. Cũng hôm đó, Lãnh tụ tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei cho rằng, Iran sẽ không đàm phán với Washington.
Trong một cuộc phỏng vấn phát trực tiếp trên kênh ABC tối 2/6, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif cho rằng, hầu như Iran không chấp nhận lời đề nghị của ông Trump và cho rằng, các kỹ năng đàm phán cứng rắn của một người đã từng có sự nghiệp buôn bán bất động sản như ông Trump sẽ thất bại trong lĩnh vực ngoại giao.
Ông Zarif nói: “ Điều này ít cơ hội xảy ra bởi vì đàm phán là tiếp tục của quá trình gây sức ép. Ông ấy sẽ gây sức ép. Biện pháp này có thể hiệu quả trong thị trường bất động sản. Nó sẽ không có tác dụng trong việc giải quyết vấn đề với Iran”.