Thổ Nhĩ Kỳ đang đẩy mạnh kế hoạch kích hoạt hệ thống phòng không của Nga bất chấp những cảnh báo trừng phạt dai dẳng từ Mỹ.
Ankara dường như đánh cược rằng, Washington sẽ không biến những đe dọa thành sự thật, bởi họ không muốn mất đi một đồng minh chiến lược vào tay Nga, theo Al-Monitor.
Không thể "ly hôn"
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp người đồng cấp Donald Trump tại Nhà Trắng vào tuần trước. Dẫu vậy, cả hai đã không đạt được bước đột phá nào trong giải quyết tranh cãi xoay quanh thương vụ tên lửa S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Kể từ khi trở về Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan và các quan chức hàng đầu khác đã tái khẳng định quan điểm sẽ giữ lại hệ thống phòng không Nga. Sẽ không có bước lùi nào từ Ankara và S-400 sẽ được kích hoạt.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Tổng thống Erdogan đã thuyết phục ông Trump thiết lập một cơ chế chung mà ông hy vọng sẽ làm giảm bớt những lo ngại của Mỹ xung quanh việc triển khai S-400 giữa hàng loạt vũ khí của NATO.
Quan chức hai nước cũng đã bắt đầu cuộc thảo luận về việc S-400 không cần phải được tích hợp vào mạng lưới phòng không hiện có của Thổ Nhĩ Kỳ và có thể được sử dụng như một hệ thống độc lập.
Các cuộc đàm phán này cũng nhằm mục đích chấm dứt tình trạng bế tắc với Thổ Nhĩ Kỳ về chương trình tiêm kích F-35 đang bị gián đoạn từ phía Mỹ.
"Mỹ dường như đang mơ ước quá viển vông. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không trả lại S-400 hoặc biến chúng thành cục chặn giấy trị giá 2 tỷ USD", Howard Eissenstat, thành viên cao cấp tại Dự án Dân chủ Trung Đông nêu quan điểm.
"Hiện tại, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để quản lý một cuộc hôn nhân mà việc ly hôn là không thể xảy ra, trong khi hai người đã chẳng còn tình yêu và liên tục bất đồng trong mọi vấn đề".
Trên thực tế, các quan chức Mỹ dường như vẫn đang hy vọng có thể thuyết phục được Thổ Nhĩ Kỳ. Người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tuần trước cho biết, ông dự kiến các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm được thực hiện và Quốc hội nên chờ đợi trước khi trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về hành động ở Syria, với hy vọng tranh cãi liên quan đến hệ thống phòng không Nga sẽ được giải quyết.
"Một hệ thống mua về là để sử dụng. Nếu bạn đã bỏ tiền ra để mua hệ thống vũ khí và rồi lại nói là không sử dụng vì mối lo của người khác thì thật là sai lầm", Ismail Demir, người đứng đầu Văn phòng Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, nói với CNN Turk.
"Chúng tôi có quan hệ với cả Nga và Mỹ, và cả hai đều có trọng lượng của riêng họ. Chúng tôi là một quốc gia nổi bật với uy tín của mình". Ông cho biết S-400 sẽ sẵn sàng để sử dụng vào tháng 4/2020.
Không ràng buộc
Thổ Nhĩ Kỳ đang xem xét mua thêm vũ khí từ Nga.
Tổng thống Erdogan đã nhấn mạnh rằng ông không muốn bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ làm tổn hại mối quan hệ với Nga.
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với người đồng cấp Erdogan trong những năm gần đây và có được những thành công nhất định.
Dưới áp lực của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ngừng bắn ở vùng đông bắc Syria và ông Putin sẽ có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tháng 1 tới đây. Cùng với đó, Nga cũng đang chứng kiến đợt giao hàng S-400 của mình cho Thổ Nhĩ Kỳ đi đúng hướng.
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang xem xét mua thêm về vũ khí của Nga. Theo hãng tin TASS, Ankara đang xem xét đề xuất mua chiến đấu cơ Su-35 và chiến đấu cơ tàng hình Su-57.
Trong khi có những lo ngại ở Washington về việc Thổ Nhĩ Kỳ liên tục mua vũ khí Nga có báo hiệu một sự phá vỡ quan hệ chiến lược với phương Tây hay không, Tổng thống Erdogan được cho là sẽ có lý lẽ bảo vệ cho riêng mình trong bối cảnh trật tự thế giới đang thay đổi.
Các chính sách đối ngoại cực đoan của chính quyền Trump - từ việc rút khỏi các hiệp ước quốc tế đến việc quay lưng với các đồng minh - có thể thúc đẩy một số quan điểm về cái gọi là sự suy giảm quyền thống trị của Mỹ trên thế giới.
"Trên khắp thế giới đang xuất hiện những khu vực quy tụ với Moscow và bạn có một nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng quyền lực Mỹ đang suy tàn và Thổ Nhĩ Kỳ nên mở rộng các lựa chọn của mình với các cường quốc toàn cầu: Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu, sau đó là Mỹ", Aaron Stein, giám đốc Chương trình Trung Đông tại Viện nghiên cứu Chính sách Đối ngoại nhận định. "Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bị ràng buộc vào một mặt của quả địa cầu".