Mỹ mở mặt trận thứ 2, kéo Nga từ Ukraine sang Trung Đông?

Nguyễn Ngọc |

Theo một cựu tướng lĩnh Nga, Mỹ có thể lợi dụng xung đột Israel-Hamas để mở mặt trận thứ 2 nhằm lôi kéo quân Nga từ Ukraine sang Trung Đông.

Ông Viktor Sobolev, thành viên Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) mới đây đã tuyên bố trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí của tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya rằng, mọi cuộc xung đột quân sự trên thế giới kể từ giữa thế kỷ 20 đến nay đều có liên quan đến Mỹ.

Theo ông, kể từ những năm 50 của thế kỷ trước, Hoa Kỳ nếu không khiêu khích, khơi mào hoặc tham gia gián tiếp (như ở Ukraine), thì cũng trực tiếp tham chiến vào hầu hết các cuộc xung đột quân sự trên thế giới, chỉ nhằm mục đích cố gắng thu lượm lợi ích tối đa từ chúng.

Trong bối cảnh hiện nay, rõ ràng là tình hình ngày càng xấu đi ở Trung Đông, nơi quyền lực và ảnh hưởng của Washington gần đây đã bị lung lay mạnh mẽ, sẽ không phải là một ngoại lệ đối với chính sách gia tăng can dự để thu lợi và mở rộng quyền lực bá chủ của Mỹ.

Trên cơ sở đó, vị quan chức Nga nhận định là trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở dải Gaza hiện nay, Mỹ có thể lợi dụng cuộc xung đột Palestine-Israel để tấn công đối thủ lâu năm Iran, quốc gia mà Mỹ cho là người ủng hộ nhiệt thành cho Hamas và các lực lượng giải phóng Ả Rập hiện đang chiến đấu với Israel.

Ông Viktor Sobolev đưa ra quan điểm này trên cương vị là một vị tướng, đã từng đảm nhận cương vị là Tư lệnh Quân đoàn vũ trang tổng hợp số 58, chứ không đơn thuần chỉ là một chính khách salon.

Vị tướng này nhận định, ngoài việc giúp đồng minh Israel tấn công lãnh thổ Palestine, trực tiếp tấn công địch thủ lâu năm Iran, cuộc xung đột này còn có lợi cho Mỹ, vì chính quyền Washington hy vọng sẽ chuyển lực lượng Nga từ Ukraine sang hướng chiến lược này.

Sobolev nhắc lại rằng, có các căn cứ quân sự của Lực lượng Vũ trang Nga ở Syria (Căn cứ Không quân Hmeimim - Khmeimim Air Base và Căn cứ hải quân Tartus - Russian Naval Base in Tartus) và nhiều quân nhân Nga đang hiện diện ở đất nước ven bờ biển phía đông Địa Trung Hải.

Nếu tình hình leo thang và cái gọi là “Mặt trận thứ hai” của lực lượng kháng chiến Ả Rập chống lại Israel mở ra ở phía bắc đất nước, IDF (Lực lượng Phòng vệ Israel) chắc chắn sẽ bắt đầu tấn công Cộng hòa Ả Rập Syria.

Ngay sau khi bùng nổ cuộc đối đầu quân sự giữa người Palestine và Israel, chính quyền Damascus đã ngay lập tức bày tỏ sự ủng hộ đối với hành động của nhóm vũ trang Palestine Hamas.

Bộ Ngoại giao Syria lưu ý rằng, phản ứng của lực lượng kháng chiến Palestine chứng tỏ người dân nước này có quyền thành lập một nhà nước độc lập trên đất của họ.

Theo vị tướng Nga, còn một lý do khác khiến Mỹ có thể trực tiếp can thiệp vào cuộc xung đột ở Trung Đông là nhằm mở “Mặt trận Thứ hai”, nhằm gây áp lực đối với lợi ích của Nga ở Trung Đông, buộc Moscow phải điều động lực lượng từ Ukraine hỗ trợ các căn cứ ở Syria.

Tướng Nga cho rằng, với sự thất bại rõ ràng của chiến dịch Ukraine, trong đó hàng chục tỷ dollars tiền thuế của người Mỹ đã được đầu tư, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden cần có một “cuộc chiến thắng lợi” trước thềm cuộc bầu cử tổng thống.

Khó có khả năng Washington sẽ quyết định triển khai chiến dịch trên bộ chống lại quốc gia nằm giữa sa mạc là Iran, nhưng việc tung ra các cuộc tấn công tên lửa và không kích nhằm vào đối thủ của Israel là một kịch bản mà Mỹ đã sử dụng thành thục, vừa ít tốn kém, lại không đổ máu, nên hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với Nhà Trắng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại