Trong tuyên bố trên mạng Telegram hôm 1/7, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã nói rằng, mối nguy hiểm duy nhất phát sinh từ yêu cầu triển khai vũ khí hạt nhân tới Ba Lan đó là việc những vũ khí này sẽ được sử dụng. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, nếu Mỹ đáp ứng mong muốn của Ba Lan về việc triển khai vũ khí hạt nhân tại nước này, sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Một quả bom B61-12 không mang đầu đạn hạt nhân gắn trên tiêm kích F-15 của Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ
Trước đó, giới chức Nga đã nhiều lần đưa ra cảnh báo mang tính lằn ranh đỏ đối với những vấn đề tương tự như vậy, vốn được xem là có ảnh hưởng vô cùng lớn đến an ninh của nước Nga. Nga tuyên bố sẵn sàng đáp trả phương Tây nếu an ninh của Nga bị đe doạ.
Phát biểu với báo giới khi tham gia lễ tốt nghiệp tại một học viện quân sự, Tổng thống Nga Putin đã nhấn mạnh: "Tăng cường và phát triển quân đội, đảm bảo sự an toàn của nước Nga luôn là ưu tiên hàng đầu. Xét đến các thách thức mới và những trải nghiệm vô giá của chiến dịch quân sự đặc biệt, chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện các lực lượng an ninh. Nhiệm vụ quan trọng nhất ở đây là phát triển bộ ba hạt nhân, vốn là yếu tố đảm bảo chính cho an ninh quân sự của Nga và ổn định toàn cầu”.
Tuyên bố của Nga đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, trước đó khi tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu đã nói rằng Ba Lan mong muốn tham gia Chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO nhằm đối phó với quyết định của Nga về việc bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.
“Trong tương quan Nga dự định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi toàn thể các nước NATO đều được tham gia vào chương trình Chia sẻ hạt nhân. Trên tất cả điều này sẽ phụ thuộc vào quyết định của Mỹ và các đối tác NATO. Nhưng chúng tôi mong muốn được tham gia chương trình này", ông Mateusz Morawiecki nói.
Chia sẻ vũ khí hạt nhân là một khái niệm trong chính sách răn đe của NATO. Chương trình này cho phép các nước thành viên NATO không có vũ khí hạt nhân được tham gia vào kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân của NATO.
Điều này có nghĩa là nếu Ba Lan được tham gia Chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO thì vũ khí hạt nhân của NATO, của Mỹ sẽ được triển khai trên lãnh thổ Ba Lan, sát với biên giới Nga. Đây được xem là một vấn đề tối kỵ trong chính sách an ninh của Nga. Thực tế cho thấy, từ khi ra mắt vào năm 2009, chương trình chia sẻ hạt nhân của NATO đã triển khai bom hạt nhân B-61 của Mỹ tới nhiều địa điểm khác nhau trên khắp châu Âu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới phân tích, đề nghị trên của Ba Lan khó có thể xảy ra trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine vẫn diễn biến phức tạp. Việc cho phép Ba Lan tham gia vào một Chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO sẽ tiếp tục thổi bùng thêm căng thẳng giữa Nga và NATO và đẩy an ninh châu Âu, khu vực và thế giới vào vòng xoáy nguy hiểm.