Vai trò mờ nhạt của ông Vương Kỳ Sơn giữa căng thẳng Mỹ-Trung
Ông Vương từng được biết đến với biệt danh "lính cứu hỏa", nhờ vai trò trọng yếu trong xử lý các vấn đề liên quan đến tham nhũng và tài chính trong nước. Ông cũng có kinh nghiệm trong làm việc với phía Mỹ, và từng dẫn đầu đoàn đối thoại kinh tế của Trung Quốc tới Washington khi còn làm Phó thủ tướng.
Hiện nay, trong vai trò Phó chủ tịch Trung Quốc và được trao thêm trách nhiệm trong lĩnh vực đối ngoại, ông Vương Kỳ Sơn được các nhà ngoại giao quốc tế đánh giá sẽ giữ vị trí trung tâm trong xử lý mối quan hệ giữa Bắc Kinh với chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đánh giá trên trở nên phổ biến hơn khi vào tháng 3 vừa qua, trước khi trở thành Phó chủ tịch, ông Vương đã có các cuộc gặp với đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad, và cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Steve Bannon.
Các nguồn tin trong cộng đồng thương mại Mỹ cho hay ông Vương cũng tiếp xúc những quản lý doanh nghiệp cấp cao của Mỹ trong vài tháng gần đây.
Tuy nhiên, bên cạnh một số cuộc gặp rải rác với các vị khách Mỹ, hay một số lần xuất hiện khá kỳ lạ - như tại một diễn đàn ở Nga vào cuối tháng 5, hoạt động của Vương Kỳ Sơn không có gì đáng chú ý.
Thông tin chính thức gần đây nhất là ông Vương tiếp ngoại trưởng Bangladesh, và tin ông được vinh danh là chủ tịch danh dự của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) bình luận, sự vắng bóng của Phó chủ tịch Trung Quốc giữa bối cảnh chiến tranh thương mai Mỹ-Trung đã mở màn là một tín hiệu xấu, bất chấp tổng thống Trump vẫn khẳng định chủ tịch Tập Cận Bình là một "người bạn tốt".
Các nhà phân tích cho rằng, ở quốc gia cẩn trọng trong giữ gìn hình ảnh ban lãnh đạo như Trung Quốc, nhân vật số hai của nhà nước như ông Vương sẽ chỉ hiện diện khi Mỹ và Trung Quốc đã đạt được những thỏa thuận đáng kể để kết thúc căng thẳng.
"Ông Vương Kỳ Sơn sẽ không dại xuất đầu lộ diện, cho đến khi có những bảo đảm chắc chắn hơn nhiều rằng [hai nước] đạt được thỏa thuận và thỏa thuận sẽ có hiệu lực," Scott Kennedy - chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington - nhận định.
Ông Vương Kỳ Sơn (phải) hiện là quan chức thân cận được ông Tập Cận Bình tin cậy nhất, phụ trách lĩnh vực đối ngoại trong nhiệm kỳ 2 của ông Tập (Ảnh: Reuters)
Trung Quốc lo lãnh đạo mất mặt trước Mỹ?
Nguồn tin thân cận với các cuộc gặp giữa lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ và Phó chủ tịch Trung Quốc tiết lộ, ông Vương sẽ chỉ tham gia vào lộ trình hòa dịu thương mại Mỹ-Trung khi "ông ấy có cái nhìn rõ ràng về cách thức đàm phán để đạt được một giải pháp chắc chắn".
Cả Bộ ngoại giao và Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đều không bình luận trước câu hỏi về vai trò mờ nhạt của ông Vương trong vụ xử lý mâu thuẫn thương mại với Mỹ.
Ở vòng đối thoại gần nhất giữa hai nước, phó thủ tướng Lưu Hạc đã dẫn đầu đoàn Trung Quốc, nhưng không ngăn cản thành công Mỹ khởi động gói thuế quan áp lên số hàng nhập khẩu trị giá 34 tỉ USD từ Trung Quốc hôm 6/7 vừa qua.
Bắc Kinh trả đũa bằng cách áp thuế lên 34 tỉ USD hàng nhập khẩu Mỹ vào nước này.
Gặp tổng thống Trump tháng 5/2018, ông Lưu Hạc nêu đề nghị Trung Quốc sẽ cắt giảm 200 tỉ USD thặng dư thương mại với Mỹ nhằm vãn hồi cuộc chiến thương mại, nhưng đến tháng 7 Mỹ vẫn áp thuế quan với 34 tỉ USD hàng Trung Quốc (Ảnh: Twitter)
Từng phụ trách chiến dịch chống tham nhũng trong nhiệm kỳ đầu của ông Tập, và nay trở thành Phó chủ tịch Trung Quốc, Vương Kỳ Sơn được đánh giá là có vị thế chính trị cao cấp hơn so với những quan chức hàng đầu chính phủ như Ủy viên quốc vụ Vương Nghị, hay Ủy viên Bộ chính trị Dương Khiết Trì - người đứng đầu Ủy ban đối ngoại của đảng Cộng sản Trung Quốc.
SCMP trích lời một "nhà ngoại giao cấp cao phương Tây" (ẩn danh), nói Bắc Kinh dường như lưỡng lự trong việc đưa ông Vương vào tiến trình đàm phán với Mỹ, sau khi nhận thức chung mà phó thủ tướng Lưu Hạc đạt được với chính quyền Trump để giải quyết mâu thuẫn thương mại vào tháng 5 cuối cùng đã đổ bể.
Vương Kỳ Sơn là cánh tay phải và đồng minh thân cận của chủ tịch Tập Cận Bình, là người báo cáo trực tiếp công việc với ông Tập, đồng nghĩa kịch bản tương tự diễn ra với ông này cũng giống như thách thức cá nhân với ông Tập.
"Anh có thể làm mất mặt Phó thủ tướng [Trung Quốc], nhưng với Phó chủ tịch nước thì không," nhà ngoại giao trên cho hay.
Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn gặp khó khăn trong xác định mục đích thực sự của Mỹ, đặc biệt khi ngay chính trong đội ngũ đàm phán của Mỹ cũng có chia rẽ về quan điểm giữa ủng hộ tự do thương mại và bảo hộ thương mại. Điều này dẫn đến một số trường hợp các quan chức Mỹ phát ngôn bất nhất, làm Bắc Kinh bối rối.