Vừa qua, tờ Pravda (Sự thật) của Nga trích lời ông Anatoly Aksakov, Chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia của Nga về thị trường tài chính, cho biết chính phủ nước này đang có kế hoạch trả đũa tương xứng với dự luật "cấm vận địa ngục" mới của Mỹ nhắm vào các giao dịch nợ chính phủ, dự án năng lượng và dầu mỏ, uranium nhập khẩu và giới tài phiệt của Nga.
Phía Kremlin chỉ trích rằng các thượng nghị sĩ Mỹ đang đi quá xa. Dù chưa đưa ra được chứng cứ thuyết phục, nhưng Mỹ luôn lấy cớ Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 để giáng các đòn tấn công nền kinh tế của nước Nga và ảnh hưởng tiêu cực đến phúc lợi của người dân Nga.
Nga quyết trả đũa Mỹ
Vì lí do kể trên, Moskva hoàn toàn có quyền đưa ra các đòn trả đũa đối với Mỹ, cả về chiến lược và quân sự. Những đòn giáng trả này được cho là sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng và không thể bù đắp đối với nền kinh tế và người dân Mỹ.
Hiện nay Nga không nhất thiết phải vay thêm các khoản nợ chính phủ mới, bởi ngân sách nhà nước đã có thặng dư.
Ngân sách của Nga được tính dựa trên giá dầu mỏ khởi điểm là 40 USD/thùng. Với giá dầu hiện nay là trên 70 USD/thùng, Quỹ Phúc Lợi Quốc gia Nga đang tiến vào quỹ đạo tăng trưởng trong thời gian gần đây. Do đó, những đòn trừng phạt của Mỹ nhắm vào lĩnh vực này sẽ không tác động nhiều tới Nga.
Ngoài ra, Moskva sẽ không bị động, mà sẽ chuẩn bị cho những đòn giáng trả mới nhằm vào Mỹ. Ông Aksakov tin rằng những đòn đáp trả này sẽ không ảnh hưởng tới nền kinh tế của Nga.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài đang dần quay lưng với chứng khoán Nga do e ngại những đòn trừng phạt mới của Mỹ.
Theo ông Aksakov, trong bối cảnh quan hệ giữa Nga - phương Tây vô cùng căng thẳng như hiện nay, Moskva còn có thể sửa đổi một số nghĩa vụ của nước này trên trường quốc tế để đối phó với các đòn trừng phạt mới của Mỹ.
Trước đây, Nga đã cam kết thực hiện một số nghĩa vụ theo các điều khoản của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, các nghĩa vụ này có thể thay đổi khi điều kiện và bối cảnh thay đổi.
Nước Mỹ cũng thường xuyên không làm tròn các nghĩa vụ và cam kết của mình, như việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, và áp dụng chủ nghĩa bảo hộ thương mại, theo Pravda.
Báo Nezavisimaya Gazeta cho biết, dự luật mang tên "Bảo vệ an ninh Mỹ trước hành động gây hấn của Kremlin" (DASKAA) được đưa ra với mục đích gây ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và ngoại giao đối với Nga nhằm đáp trả hành động can thiệp nội bộ Mỹ của Nga. Dự luật này đặc biệt nhấn mạnh vào sự hiện diện của Nga tại Syria và sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea.
Theo dự luật này, Washington sẽ áp đặt "các lệnh trừng phạt đối với giới chính trị gia, tài phiệt, người thân và những người có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến những hành động phi pháp và sai trái của Tổng thống Vladimir Putin".
Ngoài ra, DASKAA cũng đưa ra những biện pháp ngăn chặn các giao dịch liên quan đến việc đầu tư vào các dự án năng lượng được các cơ quan nhà nước của Nga hậu thuẫn, cùng với các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân tại Nga có thể liên quan đến các cuộc tấn công mạng.
Một điểm đáng chú ý là dự luật mới này được Washington đưa ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 16/7 vừa qua. Ngoài các lệnh trừng phạt mới, DASKAA còn đề cập đến việc chuyển giao vũ khí cho các quốc gia NATO, và các biện pháp đối phó với dự án Nord Stream 2 của Nga.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu dự luật mới này của Mỹ được thông qua, thì thế giới sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu, bắt đầu từ các thị trường tài chính. Cuộc khủng hoảng này được dự đoán sẽ ngang ngửa hoặc nghiêm trọng hơn sự kiện công ty Lehman Brothers sụp đổ hồi năm 2008.