Mỹ khuyên Nga không cần thiết chế tạo thêm tàu sân bay mới

Nguyễn Đông |

Cả chuyên gia quân sự của Mỹ và Nga đều cho rằng, Nga không cần thiết phải xây dựng thêm tàu sân bay mới.

Tàu sân bay là vũ khí chủ lực trong mọi cuộc hải chiến từ thập niên 1940, chúng cũng là yếu tố thể hiện sức mạnh hải quân hiện đại. Hiện nay Nga và Mỹ là hai cường quốc đứng đầu thế giới trong lĩnh vực quân sự và đặc biệt là Hải quân.

Tuy nhiên hiện nay Mỹ đang trang bị và khai thác hơn 10 tàu sân bay còn Nga chỉ có duy nhất một chiếc.

Mỹ khuyên Nga không cần thiết chế tạo thêm tàu sân bay mới - Ảnh 1.

Đô đốc Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất còn hoạt động của Hải quân Nga

Rõ ràng vai trò quan trọng của tàu sân bay trong hạm đội hải quân là điều không thể chối cãi. Sự kiện tàu sân bay "Đô đốc Kuznetsov" của Nga lần đầu tiên cơ động tới bờ biển Syria tham gia chống IS thu hút sự chú ý của các nước đặc biệt là NATO.

Tàu sân bay này đã hỗ trợ hiệu quả trong việc tấn công IS. Vậy tại sao Nga chỉ trang bị duy nhất một tàu sân bay? Thực sự Hải quân Nga cần thêm tàu sân bay hay không?

Liên quan đến vấn đề này chuyên gia quân sự Dave Majumdar của Mỹ cho rằng, Nga không nên cố gắng xây dựng tàu sân bay mới. Điều này không khả quan. Hiện nay các nhà thiết kế trung tâm Krylov đang nghiên cứu và phát triển tàu sân bay thế hệ mới nhưng chúng sẽ không nhận được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng Nga.

Đồng ý với quan điểm của ông Majumdar, chuyên gia quân sự Vasily Kashin của Nga cũng khẳng định rằng, Nga không nên xây dựng tàu sân bay mới, tốt nhất tập trung phát triển các loại vũ khí chống tàu siêu mạnh thay vì tập trung rất nhiều tiền để xây dựng tàu sân bay.

Trước đó, vấn đề hiện nay Nga có thực sự cần thiết thêm tàu sân bay mới hay không được đưa ra bởi Phó chủ tịch Học viện các vấn đề địa chính trị Nga trên tạp chí "NyuInform", ông Vladimir P. Anokhin cho biết:

"Thay vì sử dụng kinh phí đắt đỏ phát triển tàu sân bay thì nên tập trung phát triển các loại vũ khí tương lai sẽ hiệu quả hơn nhiều. Việc phát triển tàu sân bay cần nhiều ngân sách và duy trì hoạt động của chúng cũng không hề rẻ. Hiện nay chúng hoạt động một mình sẽ dễ dàng bị tiêu diệt vì vậy cần có thêm nhiều tàu và máy bay hộ tống".

"Ông khẳng định rằng, Nga có nhiều vị tướng tài, thông minh và nhà khoa học lỗi lạc, họ thừa hiểu vấn đề này. Chúng ta không nên so sánh với Mỹ bởi vì ngân sách dành cho quân đội của họ lớn hơn rất nhiều so với chúng ta. Hãy xem xét nên xây dụng một tàu sân bay hay dùng số tiền này để tạo ra hai tàu ngầm và 16 quả tên lửa".

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, hiện nay các lực lượng của Nga ở nhiều khu vực được trang bị đầy đủ, cho phép tự bảo vệ lợi ích của mình mà không cần các tàu sân bay. Các tên lửa của Nga với bán kính hoạt động khác nhau có thể thay thế vai trò của Không quân trên tàu sân bay.

Ông cho biết thêm rằng, đầu thế kỷ 21 Nga tích cực cải tiến những loại tên lửa chống hạm từ thời Liên Xô và cho ra đời những tên lửa mới có tốc độ và tầm bắn còn cao hơn nữa, tăng thêm khả năng chọc thủng hệ thống phòng ngự của tàu sân bay.

Năm 2016, Nga đã cho ra đời tên lửa diệt hạm siêu thanh 3M22 Zircon được trang bị cho tàu chiến của Hải quân Nga. Về tầm bắn, tên lửa Zircon có tầm bắn trên 1.000 km, vượt xa tầm bắn của các loại tên lửa phòng không và máy bay đánh chặn của Hải quân Mỹ.

Về tốc độ, Zircon có vận tốc nhanh gấp 6 lần vận tốc âm thanh, với tốc độ cực lớn này, việc đánh chặn Zircon là gần như không thể với các công nghệ phòng không hiện nay. Với tầm bắn 1.000 km, tàu chiến Nga có thể tấn công cụm tàu sân bay Mỹ từ cự ly mà máy bay đối phương không thể bắn trả.

Cũng trong năm 2016, Nga đưa vào trang bị tên lửa Raduga Kh-32 trang bị cho lực lượng không quân. 

Kh-32 là phiên bản hiện đại hóa của Kh-22 với tầm bắn được nâng cao, đạt tới 1.000 km. Nó có thể đạt đến trần bay là 40.000 m, tốc độ siêu thanh đạt tới Mach 5 (hơn 5.000 km/h). Với tốc độ này, hệ thống phòng không trên tàu chiến đối phương rất khó có thể đánh chặn Kh-32.

Ông nhấn mạnh thêm rằng, với sự tiến bộ của công nghệ, không chỉ Nga mà ngày nay nhiều nước như Iran, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam... cũng có trong biên chế nhiều loại tên lửa chống hạm siêu thanh, tính năng khá mạnh như Moskit, BrahMos, YJ-62, 3M-54 Klub...

Tuy tính năng chưa đạt đến mức độ như của Nga nhưng cũng đủ khả năng bắn hạ tàu sân bay nếu được phóng đồng loạt với số lượng lớn.

Dựa vào những thông tin này chuyên gia người Mỹ Dave Majumdar tin rằng, có khả năng Nga sẽ không xây dựng tàu sân bay mới hoặc cùng lắm chỉ xây dựng với số lượng ít nhất có thể. Và nguồn ngân sách này sẽ được ưu tiên phát triển tàu ngầm, tàu tên lửa mặt nước và các loại vũ khí chống tàu, đặc biệt là chống tàu sân bay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại