Mỹ không chịu kém cạnh trước tác chiến điện tử Nga

Thùy Dung |

Bị đánh giá là thua kém Nga trong lĩnh vực tác chiến điện tử, Mỹ đang nỗ lực phát triển hệ thống mới có thể "chọc mù" Nga.

Không bằng lòng với hiện tại

Dù đã sở hữu những hệ thống tác chiến điện tử (TCĐT) cực mạnh như Krasukha, Borisoglebsk-2, President-S, Vibtesk... nhưng Nga không bằng lòng với thực tế và tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời những hệ thống TCĐT thế hệ mới hơn.

Theo RT, công ty Công nghệ Radio – Điện tử (KRET) của Nga đang thử nghiệm một tổ hợp tác chiến điện tử mới, có khả năng tích hợp với các hệ thống phòng không thế hệ mới. Đại diện của công ty KRET cho biết:

"Tập đoàn đã đưa vào thử nghiệm các thành phần của một hệ thống tác chiến điện tử trên mặt đất.

Hệ thống này có khả năng bảo vệ được quân đội và các cơ sở dân sự khỏi những cuộc tấn công bằng đường không hoặc từ không gian. Những thử nghiệm này sẽ được hoàn thành trong năm nay".

Nguồn tin cũng nói rằng, hệ thống tác chiến điện tử này sẽ được tích hợp với hệ thống phòng không và các phương tiện chiến tranh khác.

Giải thích về mặt kỹ thuật, đại diện của công ty cho biết, hệ thống nói trên bao gồm các module phá sóng riêng biệt có khả năng gây ảnh hưởng đến hệ thống chỉ huy và kiểm soát của đối phương ở khoảng cách rất xa.

Mỹ không chịu kém cạnh trước tác chiến điện tử Nga - Ảnh 1.

Hệ thống Krasukha nga triển khai tại Syria.

Ông Igor Nasenkov, Phó Tổng giám đốc của KRET nói: "Năng lượng, tần số, trí tuệ nhân tạo và nguồn lực của hệ thống được phân phối một cách tối ưu. Ngoài ra, tất cả các modul đều được trang bị các biện pháp bảo vệ bởi chúng chính là mục tiêu tấn công của kẻ thù".

Trước đó, một nguồn tin thân cận của công ty từng tiết lộ với TASS về kế hoạch phát triển của hệ thống này.

Theo đó, hệ thống không chỉ được trang bị cho các đơn vị tác chiến mặt đất mà có thể còn được tích hợp trên nhiều phương tiện khác nhau bao gồm trên biển, trên bộ và trên không.

Mỹ không chịu kém

Trước khi Nga tuyên bố có thử nghiệm thành công với hệ thống tác chiến điện tử mới, Cơ quan nghiên cứu quốc phòng (DARPA) thuộc Lầu năm góc cũng đã tuyên bố phát triển hệ thông mới có thể khiến radar Nga bị mù.

Hiện nay, các loại máy bay tàng hình thế hệ mới của Mỹ hiện nay như F-22, F-35 đều sở hữu một kho dữ liệu nhận dạng các tín hiệu radar của đối phương, cùng với đó là các biện pháp gây nhiễu đã được lập trình trước đối với từng loại sóng radar.

Tuy nhiên, nếu gặp một tín hiệu radar lạ chưa được lập trình để gây nhiễu, hệ thống sẽ không thể tìm ra cách đối phó. Khi đó các máy bay tàng hình này sẽ dễ dàng bị phát hiện và có thể bị tiêu diệt.

Để giải quyết vấn đề này, trước đây Lầu Năm Góc sử dụng biện pháp cổ điển, đó là triển khai một máy bay trinh sát điện tử RC-135 thường xuyên thực hiện các chuyến bay trên khắp thế giới thu thập thông tin về các dạng sóng radar mới của mọi đối thủ.

Dữ liệu đó sau đó được gửi đến một phòng thí nghiệm mặt đất để phân tích, sau đó các chuyên gia sẽ dựa trên kết quả để đưa ra các biện pháp gây nhiễu và cập nhật lên hệ thống tác chiến điện tử của các chiến đấu cơ.

Tuy nhiên, biện pháp này rất mất thời gian và thiếu hiệu quả trong bối cảnh công nghệ radar của các đối thủ đang phát triển nhanh chóng, dễ dàng thay đổi chỉ bằng một vài thao tác bằng phần mềm, trong khi quân đội Mỹ thường phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để có được thông tin về hệ thống radar mới của các quốc gia như Nga và Trung Quốc.

Để giải quyết vấn đề này, sắp tới các máy bay chiến đấu F-22, F-35 của Mỹ sẽ được trang bị hệ thống tác chiến điện tử có trí thông minh nhân tạo có khả năng nhận dạng, phân tích các dạng sóng radar mới của đối phương để đề ra biện pháp gây nhiễu thích hợp cho máy bay trong thời gian cực ngắn.

Với trí thông minh nhân tạo này, máy bay có thể phát tín hiệu gây nhiễu ngay sau khi bắt gặp một dạng sóng radar. Hiện các hệ thống sử dụng kỹ thuật sử dụng trí thông minh nhân tạo đang trong giai đoạn thử nghiệm. Nếu được đưa vào hoạt động, nó sẽ tiết kiệm cho Bộ Quốc phòng Mỹ khá nhiều thời gian và tiền bạc.

Thậm chí các hệ thống này còn có khả năng cứu mạng phi công nếu họ gặp phải một hệ thống tên lửa phòng không hoặc radar cao tần mới của đối phương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại