Lý do khiến Mỹ thực sự lo ngại về tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga không chỉ bởi các tính năng kỹ chiến - thuật, cả thực tế và tiềm ẩn của nó, mà còn vì những tác động địa chính trị chiến lược mà hệ thống này sẽ tạo ra nếu được xuất khẩu cho các đồng minh của Mỹ.
Như đã thông tin rộng rãi, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia, hai đồng minh quan trọng của Washington và cũng là những khách lớn có truyền thống mua sắm vũ khí trang bị từ Mỹ hay các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của châu Âu, hiện lại đang trong quá trình xúc tiến mua S-400 của Nga.
Chưa hết, Qatar – một đồng minh chủ chốt khác của Mỹ ở vùng Vịnh và Iraq (nước từng vận hành các hệ thống phòng không Pantsir-S) cũng đã khẳng định, họ đang đàm phán để mua S-400, trong đó tiến độ thương thuyết của Doha đang đẩy lên khá nhanh.
Việc Ấn Độ, một khách hàng thân thiết của Nga, quyết định mua S-400 cũng đang đặt Mỹ vào tình huống khó xử và buộc Washington phải lớn tiếng răn đe sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt nếu New Delhi vẫn kiên quyết sở hữu hệ thống vũ khí này.
Quá trình tái nạp đạn tên lửa cho S-400. Ảnh: Sputnik
Câu hỏi đặt ra ở đây là, S-400 của Nga có thực sự tốt hơn Patriot và THAAD của Mỹ? Có thể có, mà cũng có thể không.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, bởi các lý do khác nhau, hai đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông (có thể còn nhiều hơn), từ chỗ là khách hàng truyền thống mua vũ khí phương Tây, đã quay sang lựa chọn hệ thống phòng thủ Nga để bảo vệ bầu trời của họ.
Một khi S-400 đến tay Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và có thể là cả Qatar thì nó sẽ trở thành loại vũ khí mà Mỹ thực tế không có quyền kiểm soát. Các hợp đồng S-400 đương nhiên sẽ kèm theo những ràng buộc về chính trị, giúp Nga có được lợi thế hơn trong quan hệ với các đồng minh truyền thống của Mỹ.
Northrop Grumman và Lục quân Mỹ đã đã tăng cường các khả năng phát hiện mục tiêu cho hệ thống đánh chặn Patriot-3. Ảnh: Lockheed Martin.
Chưa thể biết chính xác những thỏa thuận chính trị giữa Nga và các khách hàng tiềm năng của S-400 là gì nhưng dù thế nào thì đó cũng không phải điều Mỹ ưu thích.
Mỹ đã từng có lịch sử "trở mặt" với các đồng minh Trung Đông và những nước như Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức quá rõ được chuyện đó, thậm chí họ có thể còn trở thành các mục tiêu tấn công trong tương lai của Mỹ.
Tổng thống Erdogan chắc chắn chưa thể quên sự kiện CIA thông đồng với giáo sĩ Fethullah Gulen kích động cuộc đảo chính năm 2016.
Do vậy, việc các nước này lựa chọn trang bị cho mình một hệ thống phòng không vững chắc mà ngay cả truyền thông phương Tây cũng phải thừa nhận là "một trong những vũ khí tốt nhất thế giới" có lẽ không quá khó lý giải.
S-400 khai hỏa tại trường bắn Ashuluk trong cuộc tập trận chiến thuật của Lực lượng phòng thủ Vũ trụ Nga.