Chuyến bay được thực hiện trong bối cảnh rất đặc biệt:
"Quan hệ Mỹ-Nga tiếp tục băng giá sau vụ bắt giữ tàu hải quân Ukraine trong biên Azov; tình hình Venezuela có nhiều biến động với nguy cơ đụng độ quân sự với Colombia tại khu vực biên giới, cũng như những lời đe dọa sẵn sàng sử dụng vũ lực với quốc gia Nam Mỹ này từ giới chức diều hâu Mỹ".
Rõ ràng chuyến viếng thăm đặc biệt của máy bay Tu-160 tới Venezuela không chỉ đơn thuần là hoạt động kiểm tra kỹ thuật hay thăm viếng thông thường, mà có thể còn mang những thông điệp đặc biệt gửi tới Mỹ và đồng minh.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Thiên nga trắng của Không quân Nga.
Vũ khí chiến lược cần được kiểm tra độ tin cậy thường xuyên
Xét về yếu tố kỹ thuật, vũ khí cũng giống như mọi phương tiện kỹ thuật cần được kiểm tra và hoạt động thường xuyên để đảm bảo độ ổn định và tin cậy trong sự dụng. Điều này càng quan trọng đối với các vũ khí cấp chiến lược.
Cũng giống như "nuôi quân ba năm, dùng một giờ", không ai có thể chấp nhận việc tới khi tình huống xảy ra, mà vũ khí cấp chiến lược lại "án binh, bất động".
Vốn là vũ khí nằm trong bộ 3 hạt nhân chiến lược của Nga, cũng như tư duy sử dụng máy bay ném bom chiến lược là một trong những nắm đấm ran đe chiến lược, việc các máy bay Tu-160 có những chuyến bay đường dài định kỳ không phải là điều quá khó hiệu.
Điều này đã được minh chứng bằng hoạt động của máy bay Tu-160, Tu-95MS hay Tu-22M3 tại chiến trường Syria mới đây. Còn chuyến bay tới Venezuela cũng không phải lần đầu tiên. Trong quá khứ, Nga từng thực hiện các chuyến bay Tu-160 tới quốc gia Nam Mỹ này vào các năm 2008 và 2013.
Chuyến bay kéo dài tới 10.000km này rất có giá trị để đánh giá sự hoạt động ổn định của các khí tài điện tử trên khoang của máy bay Tu-160 đã phục vụ nhiều thập kỷ trong điều kiện hoạt động liên tục thời gian dài.
Tuy nhiên, việc kiểm tra kỹ thuật máy bay Tu-160 thông qua chuyến bay đường dài tới Venezuela chỉ là một mục đích của Nga. Điều quan trọng hơn còn nằm trong thông điệp mà Thiên nga trắng mang sang tới bên kia bờ đại dương.
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Thiên nga trắng của Không quân Nga.
Liệu có phải "phung phí ngân sách quốc gia"?
Phản ứng trước chuyến bay của phi đội Tu-160 tới Venezuela, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã coi đây là hành động "phung phí ngân sách quốc gia" của Nga. Tuy nhiên, đây có phải là lời góp ý thật hay chỉ là động thái phản ứng lấy lệ khi không thể ngăn cản được hành động quân sự của Nga.
Điều này hoàn toàn có lý! Mỹ chắc chắn không thể làm ngơ khi máy bay ném bom chiến lược của Nga tới Mỹ Latinh, nơi được Mỹ coi là vùng nằm trong vùng ảnh hưởng của mình. Điều này càng trở nên đặc biệt khi máy bay chiến lược Nga tới Venezuela, quốc gia chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Việc máy bay chiến lược Nga tới Venezuela rất có thể được hiểu là động thái củng cố quan hệ của Moscow với Caracas, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang gặp nhiều khó khăn về cả kinh tế và chính trí. Thậm chí, xung đột giữa Venezuela và Colombia đang tiềm ẩn nguy cơ xung đột quân sự.
Về điều này, Nga và Venezuela rõ ràng có nhiều mối quan hệ quân sự-chính trị mật thiết. Venezuela từ thời Tổng thống Hugo Chavez, hai bên đã có quan hệ nồng thắm với các hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ, nhập khẩu vũ khí trang bị…
Động thái cử máy bay ném bom Tu-160 tới Venezuela chỉ là củng cố thêm mối quan hệ này. Và tất nhiên điều này không làm cho Mỹ thấy dễ chịu, khi Washington luôn coi Chính quyền Venezuela đương nhiệm là cái gai trong mắt.
Một yếu tố nữa có thể xét tới là chuyến bay xuyên Đại Tây Dương của máy bay Tu-160 có thể coi là hành động "chuyển lửa" sang bên kia bờ đại dương.
Quan hệ Nga-Mỹ đang băng giá trong bối cảnh Washington tiếp tục thắt chặt các lệnh cấm vận, dọa rút khỏi Hiệp ước vê Tên lửa đạn đạo tầm trung (INF) hay mới nhất là vụ va chạm trên biển Azov với Hải quân Ukraine.
Chuyến bay cả phi đội Tu-160 tới Venezuela của Nga nhiều khả năng là để gửi thông điệp tới phía Mỹ rằng: Các lệnh bao vây, cấm vận không làm cho Nga suy yếu và Moscow có thừa đủ khả năng chuyển lửa tới sát nước Mỹ.
Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Venezuela.
Đây là điều khá nhạy cảm với nước Mỹ vốn được "bảo vệ" bởi các đại dương. Chỉ có một số ít quốc gia trên thế giới có đủ khả năng đe dọa về mặt quân sự tới lãnh thổ Mỹ, trong đó có Nga.
Như vậy, hành động cử phi đội máy bay Tu-160 tới Venezuela của Nga có phải là phung phí ngân sách quốc gia hay đã đạt được mục đích là khiến Mỹ phải giật mình thon thót, bị động đối phó.
Quan hệ giữa các siêu cường Nga và Mỹ không dễ đoán định và sự kiện máy bay Tu-160 bay vượt đại dương cũng chỉ một điểm nhấn nhỏ trong mối quan hệ vốn đã rất phức tạp giữa hai nước…