Mỹ giáng đòn "sấm sét" với S-400, Thổ Nhĩ Kỳ "thoát hiểm" trong gang tấc?

Mạnh Kiên |

Tổng thống Trump có quyền bác bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong 180 ngày, sau đó ông có thể đệ trình miễn trừ thêm 180 ngày nữa và tổng thống có thể thực hiện việc này liên tiếp.

Trừng phạt cận kề

Cuộc khủng hoảng xoay quanh vụ mua bán hệ thống phòng không S-400 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể sẽ bước sang giai đoạn sóng gió hơn khi các nguồn tin từ Ankara cho rằng các lệnh trừng phạt từ Mỹ sắp sửa được công bố, theo Arab News.

Ali Cinar, một chuyên gia chính sách đối ngoại từ Mỹ suy đoán, ​​các lệnh trừng phạt của Washington sẽ được đưa ra trong vài tuần tới và nhấn mạnh điều này sẽ làm tổn hại thêm mối quan hệ song phương.

"Tuần trước, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen đã viết một lá thư gửi Ngoại trưởng Mike Pompeo kêu gọi chính quyền Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ", chuyên gia Cinar cho biết.

Nguy cơ trừng phạt được đưa ra chỉ một tuần sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trump và Erdogan tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở London. Theo giới quan sát đánh giá, sau nhiều cuộc thảo luận giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn không có gì đột phá đối với vấn đề tên lửa S-400 và Ankara cũng không thay đổi hướng đi.

Theo chuyên gia Cinar, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mục tiêu kích hoạt hệ thống S-400, Mỹ có quyền áp dụng các biện pháp trừng phạt và trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35.

"Các lệnh trừng phạt ban đầu tuy ở mức nhẹ nhàng nhưng sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ", ông nói.

Tuy nhiên, chuyên gia đối ngoại Mỹ cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump có quyền bác bỏ các biện pháp trừng phạt trong 180 ngày, sau đó ông có thể đệ trình miễn trừ thêm 180 ngày nữa và tổng thống có thể thực hiện việc này liên tiếp.

"Tổng thống cũng có quyền bác bỏ một hoặc nhiều biện pháp trừng phạt, ví dụ như áp đặt một gói trừng phạt và bỏ đi phần còn lạii", chuyên gia Cinar nói.

Ngoài việc làm tổn hại mối quan hệ với Washington, các biện pháp trừng phạt có thể sẽ bắt buộc Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm các thị trường và nguồn cung cấp thay thế cho các thiết bị quốc phòng.

Đòn đánh kinh tế

Mỹ giáng đòn sấm sét với S-400, Thổ Nhĩ Kỳ thoát hiểm trong gang tấc? - Ảnh 2.

Tổng thống Trump có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt gây ảnh hưởng tối thiểu đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Ozgur Unluhisarcikli, giám đốc Quỹ Marshall của Mỹ, rõ ràng các lệnh trừng phạt theo đạo luật CAATSA sẽ được áp dụng đối với Thổ Nhĩ Kỳ do hậu quả đến từ việc mua nguồn vũ khí lớn từ Nga .

"Tổng thống Trump đã cố gắng trì hoãn quyết định này càng lâu càng tốt và có vẻ như Quốc hội Mỹ đang trở nên thiếu kiên nhẫn. Họ có thể ra tay trong trường hợp ông Trump không sớm áp dụng các biện pháp trừng phạt", ông nói với Arab News.

Chuyên gia này cũng nhận định thêm rằng, trong khi Tổng thống Trump dự kiến ​​sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt trước năm 2020, nhà lãnh đạo Mỹ có thể sẽ chỉ thiết lập một gói trừng phạt có tác động ở mức tối thiểu đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Tác động đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được cảm nhận trong trung và dài hạn khi nước này sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư .

"Các lệnh trừng phạt chắc chắn sẽ đưa quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ xuống ngưỡng thấp và dẫn đến một làn sóng chống Mỹ mới. Sẽ là bất ngờ nếu Tổng thống Erdogan không chọn cách cưỡi trên con sóng này và thu hút sự ủng hộ của công chúng", Unluhisarcikli nhấn mạnh.

Quá trình này sẽ có ảnh hưởng gián tiếp đến số phận của hàng triệu người tị nạn hiện đang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ kém đi, thị trường việc làm sẽ co lại, ảnh hưởng đến cả người tị nạn, và nhiều trong số họ có thể phải tìm nơi khác để ổn định cuộc sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại