Vaccine Covid-19 Mỹ. Ảnh: Đai học Bentley.
Trong khi đó, Mỹ chỉ triển khai viện trợ theo cơ chế song phương với một số rất ít nước lân cận ở khu vực Trung Mỹ, do các vấn đề quy định, thủ tục và điều phối khá phức tạp từ phía Mỹ. Các cơ quan hữu trách của Chính phủ Mỹ như Hội đồng An ninh Quốc gia (thuộc Nhà Trắng), Bộ Ngoại giao trực tiếp định mức cụ thể viện trợ cho từng đối tác, sau đó thông báo và chuyển qua COVAX đến nơi tiếp nhận.
Phía Mỹ coi vaccine là vấn đề thuộc an ninh quốc gia, do đó được quản lý rất chặt từ việc sản xuất, phân phối trong nước, cũng như cung ứng cho các nước khác. Mỹ có chính sách quản lý thống nhất và mọi nguồn cung ứng vaccine cho các nước đều qua một đầu mối duy nhất là Bộ Ngoại giao Mỹ.
Các công ty dược phẩm chuyên sản xuất và cung cấp vaccine của Mỹ như Pfizer, Moderna, Johnson and Johnson, cũng như các công ty đang thử nghiệm vaccine giai đoạn II - III khác, đều có quy định rất chặt chẽ là chỉ ký hợp đồng cung cấp vaccine thông qua kênh chính phủ các nước hoặc qua cơ chế COVAX, tuyệt đối không làm việc với các công ty tư nhân hoặc các công ty môi giới tại thời điểm hiện nay.
Kế hoạch của Mỹ hỗ trợ vaccine cho thế giới
Hồi tháng 6, Tổng thống Joe Biden đã cam kết tặng ít nhất 80 triệu liều vaccine cho các nước và hứa sẽ tặng thêm. Phần lớn số vaccine được Mỹ tặng thông qua chương trình tiếp cận công bằng vaccine COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Tới đầu tháng 8, Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố tặng và vận chuyển hơn 110 triệu liều vaccine Covid-19 tới hơn 60 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới và theo Liên Hợp Quốc, hiện nay Mỹ đã tặng số liều vaccine Covid-19 cho thế giới nhiều hơn tổng cộng số vaccine đã được các quốc gia khác tặng.
Việt Nam là một trong 10 nước được nhận nhiều vaccine nhất do Mỹ hỗ trợ với 5 triệu liều. Và mới gần đây Mỹ đã bắt đầu vận chuyển một phần của gói nửa tỉ liều vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech mà Mỹ đã cam kết mua và tặng cho 100 quốc gia có thu nhập thấp.
Hiện tại, Chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang thực hiện cam kết chia sẻ vaccine từng hứa và bản thân nước này cũng đang tập trung đối phó với tình hình gia tăng dịch bệnh trong nước do biến chủng Delta . Mỹ sắp tới sẽ tiêm nhắc lại cho đại bộ phận người dân nhằm tăng cường kháng thể trước sự xuất hiện của các biến chủng mới, đặc biệt là chủng Delta hiện nay. Chính vì vậy, Mỹ chưa công bố kế hoạch hỗ trợ vaccine hoặc vật tư y tế tiếp theo cho các nước khác trên thế giới nhưng với tuyên bố của Tổng thống Biden rằng “Nước Mỹ đã trở lại”, Washington chắc chắn sẽ chung tay tiếp tục hỗ trợ thế giới chống chọi với đại dịch nguy hiểm này.
Việt Nam thúc đẩy ngoại giao vaccine tại diễn đàn đa phương
Việt Nam hiện đang là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 nên đã đóng góp nhiều cho các vấn đề của thế giới bao gồm việc thúc đẩy tiếp cận vaccine một cách công bằng. Ngay cuối tháng 7 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tổ chức tham vấn và nghe báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 2565 về vaccine Covid-19 và Nghị quyết 2532 về đại dịch Covid-19. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an đã thảo luận về biện pháp thực hiện các nghị quyết, tập trung vào bảm đảm phân phối vaccine công bằng tại khu vực xung đột và hỗ trợ chương trình COVAX.
Tại sự kiện này, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cho rằng, đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ nhiều bất bình đẳng giữa các quốc gia, trong đó, vấn đề khoảng cách trong tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đặc biệt đáng quan ngại, có thể đe dọa nỗ lực xây dựng hòa bình và các thành quả phát triển đã đạt được.
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh, cần bảo đảm tất cả mọi người được tiêm chủng, tiếp cận dịch vụ xét nghiệm, chữa bệnh Covid-19 và kêu gọi các nước ủng hộ tài chính cũng như nguồn cung vaccine cho Chương trình COVAX. Bên cạnh đó, Đại sứ Đặng Đình Quý cũng lưu ý tầm quan trọng của các biện pháp lâu dài như ngăn ngừa, chấm dứt xung đột, phát triển kinh tế, tăng cường sinh kế của người dân, cung cấp tài chính cho phát triển và ứng phó một cách tổng thể các thách thức kinh tế , khí hậu, dịch bệnh.
Cùng quan điểm với Việt Nam, các nước thành viên HĐBA khác đã kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các nước cũng như các tổ chức và cơ chế quốc tế để phân phối vaccine công bằng, với mức giá thấp cho các nước trong khủng hoảng. Những ý kiến và đóng góp của Việt Nam tại sự kiện đó rất thiết thực và việc được tiếp cận vaccine một cách công bằng sẽ giúp thúc đẩy tỷ lệ tiêm phòng trên khắp thế giới và càng nhiều người được tiêm phòng thì dịch bệnh sẽ càng sớm được kiểm soát./.