Ông Pompeo nói trên Fox News: "Chúng tôi đang yêu cầu Trung Quốc cho phép các chuyên gia vào phòng thí nghiệm để có thể xác định chính xác nơi bắt nguồn của virus SARS-CoV-2". Để xác định xem SARS-CoV-2 có phải xuất xứ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng Bắc Kinh "cần minh bạch" về những gì họ biết.
Cho đến nay, nguồn gốc của virus gây đại dịch Covid-19 vẫn là một bí ẩn. Hồi đầu tuần, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cho biết các thông tin tình báo cho thấy có khả năng virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tự nhiên chứ không phải từ phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, dù vẫn chưa chắc về khả năng nào. Cũng trong ngày 17-4, Pháp cho biết tới nay không có bằng chứng có sự liên hệ giữa virus SARS-CoV-2 và công việc của phòng thí nghiệm nghiên cứu P4 thuộc Viện Virus học Vũ Hán ở Vũ Hán.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva - Thuỵ Sĩ, chuyên gia dịch bệnh thuộc tổ chức này, bà Maria Van Kerkhove, cho biết WHO đã nhận được đầy đủ báo cáo từ phía Trung Quốc về việc bổ sung thêm 325 ca nhiễm bệnh và 1290 ca tử vong vì Covid-19 tại TP Vũ Hán, Trung Quốc.
Theo bà Maria Van Kerkhove, trong báo cáo của mình, Trung Quốc cho rằng việc điều chỉnh này là để không lọt những ca chưa được thống kê từ các nhà tang lễ, các phòng khám, các trung tâm giam giữ cũng như các nhà dưỡng lão.
Số người chết quá nhiều khiến New York phải đào hố chôn tập thể các nạn nhân. Ảnh: Reuters
Theo thống kê trên trang worldometers, đến ngày 18-4 (giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng gần 2,25 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 154.100 ca tử vong. Số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch đang điều trị tại các cơ sở y tế gần 56.970 người.
Mỹ là nước có số bệnh nhân và người tử vong cao nhất thế giới với 680.541 ca nhiễm và 34.723 ca tử vong. Mặc dù vậy, Tổng thống Trump vẫn công bố kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ, theo đó việc mở cửa trở lại sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, với điều kiện tiên quyết là các bang cho thấy sự suy giảm dịch bệnh.
Cảnh sát Ấn Độ may đồ bảo hộ trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung và chất lượng kém của hàng nhập khẩu. Ảnh: Tân hoa xã
Tây Ban Nha tiếp tục đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm Covid-19 với 184.948 ca trong khi ca tử vong là 19.315 người. Ý vẫn là nước có số ca tử vong lớn thứ hai thế giới với 22.170 ca, chỉ sau Mỹ và đứng thứ 3 thế giới về số ca nhiễm với 168.941 ca.
Tại Ý, một số tỉnh trong vùng Lombardy cho biết số ca tử vong chưa được thống kê có thể chiếm tới 20% con số công bố. Pháp ghi nhận thêm 761 người chết tại các bệnh viện (418 người) và nhà dưỡng lão (343 người) trong vòng 24 giờ. Như vậy, đến nay Pháp đã có 18.681 người chết vì Covid-19.
Trong khi đó ở Anh, Văn phòng thống kê quốc gia Anh cho biết số ca tử vong trên thực tế tại Anh có thể lớn hơn 15% so với báo cáo hàng ngày của Cơ quan Y tế quốc gia Anh. Ngày 17-4, Anh ghi nhận thêm 847 người chết, mặc dù chỉ tăng nhẹ so với ngày trước đó nhưng vẫn là một trong những tỉ lệ chết vì dịch bệnh cao nhất thế giới. Số người chết trong các bệnh viện ở Anh lên 14.576.
Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao nhất khu vực với 5.923 ca, tiếp đó đến Philippines với 5.878 ca và Malaysia 5.251 ca. Châu Phi có hơn 1.000 người chết kể từ khi Covid-19 bùng phát. Algeria là nước có số người chết cao nhất với 364 trường hợp. Sau đó là Ai Cập (205), Morocco (135) và Nam Phi (50).