Mỹ: Điều gì xảy ra nếu lệnh tấn công hạt nhân bị từ chối?

Phạm Nghĩa |

Lệnh tấn công bằng vũ khí hạt nhân của tổng thống Mỹ có thể bị tư lệnh Bộ chỉ huy chiến lược (USSC) ngăn cản hoặc từ chối nếu lệnh này bất hợp pháp.

Tuy nhiên, không rõ kết quả sẽ ra sao trong trường hợp nói trên. Hãng tin AP hôm 20-11 cho biết ngay cả tướng về hưu Robert Kehler, trước đây từng làm tư lệnh USSC, cũng tỏ ra "bối rối" khi được hỏi về vấn đề này.

"Mọi người sẽ ở trong một tình huống liên quan tới hiến pháp rất phức tạp" – ông Kehler phát biểu tại phiên điều trần của quốc hội vào tuần trước.

Theo cố vấn chính sách cấp cao của Lầu Năm Góc dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, Brian McKeon, nếu lệnh phát động tấn công bằng vũ khí hạt nhân của tổng thống bị ngăn cản hoặc từ chối, tổng thống sẽ yêu cầu bộ trưởng quốc phòng can thiệp để tư lệnh USSC thực hiện mệnh lệnh.

Trường hợp tư lệnh USSC vẫn giữ nguyên quyết định thì nhà lãnh đạo Mỹ có thể sẽ sa thải bộ trưởng quốc phòng hoặc tư lệnh USSC, ngụ ý rằng tổng thống sẽ không bị cản trở bằng bất cứ lý do nào nếu ra lệnh tấn công bằng hạt nhân.

Tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax ở Canada hôm 18-11, tư lệnh USSC hiện tại, tướng John Hyten, khẳng định ông sẽ từ chối lệnh phóng hạt nhân của tổng thống nếu lệnh này bất hợp pháp.

Trong khi đó, Bruce Blair, cựu sĩ quan phóng tên lửa hạt nhân kiêm đồng sáng lập nhóm Global Zero vốn chủ trương loại bỏ vũ khí hạt nhân, cho biết ông Kehler đã bỏ qua một điểm quan trọng: tổng thống có thể không cần thông qua tư lệnh USSC, thay vào đó truyền lệnh tấn công hạt nhân trực tiếp đến phòng chiến tranh của Lầu Năm Góc.

Phiên điều trần của thượng viện hồi tuần trước đánh dấu lần đầu tiên quốc hội Mỹ thảo luận về quyền sử dụng hạt nhân của tổng thống kể từ năm 1976. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy lo ngại Tổng thống Donald Trump có thể phát động một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân cực kỳ nguy hiểm đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker, chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện, cũng đặt câu hỏi liệu những phát biểu cứng rắn của Tổng thống Donald Trump về Triều Tiên và các nước khác có lôi Mỹ vào một cuộc chiến tranh thế giới?

Giám đốc chương trình chính sách hạt nhân tại Quỹ Carnegie về Hòa bình quốc tế James Acton, cho rằng tổng thống cần hỏi ý kiến ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng tư pháp, nếu được 2/3 người đồng ý thì mới được ra lệnh tấn công bằng hạt nhân.

Còn Giám đốc Richard Betts của Viện Nghiên cứu Chiến tranh và Hoà bình Saltzman tại Trường ĐH Columbia, đề xuất: "Để ra lệnh tấn công bằng hạt nhân, tổng thống trước hết phải có "chứng nhận" từ bộ trưởng quốc phòng rằng lệnh này là hợp lệ và chính xác, sau đó bộ trưởng tư pháp cần xác nhận nó hợp pháp".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại