Trong một tuyên bố nhân kỷ niệm 3 năm Nga sáp nhập Crimea, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói Mỹ không công nhận cuộc trưng cầu dân ý của Nga ngày 16/3/2014 cũng như việc Nga sáp nhập Crimea. Ông nhấn mạnh: "Một lần nữa, chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Ngoài ra, Mỹ cũng kêu gọi Nga ngừng các nỗ lực đàn áp tự do ngôn luận, hội họp hòa bình, đoàn thể, tôn giáo của người Tatar ở Crimea, người thiểu số Ukraine, các nhà hoạt động và nhà báo ủng hộ Ukraine.
Về phần Nga, ngày 16/3, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov khẳng định Moskva sẽ không ký giao ước với phía Mỹ về vấn đề bán đảo Crimea để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Ông Peskov nhấn mạnh rằng việc mặc cả với Mỹ về Crimea là điều không thể, cũng như sẽ không có chuyện Crimea tiến hành thêm một lần trưng cầu ý dân nữa.
Trước đó, người đứng đầu Crimea Sergei Aksenov tuyên bố mô hình thế giới đơn cực đã sụp đổ sau khi Crimea được sáp nhập vào Nga.
Trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 10/2016, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nếu giành chiến thắng, ông sẽ sẵn sàng xem xét vấn đề công nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga và hủy bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva.
Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga theo kết quả cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức ngày 16/3/2014. Kiev từ chối công nhận kết quả cuộc trừng cầu ý dân này, trong khi Moskva khẳng định các thủ tục sáp nhập hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực luật pháp quốc tế.