Mỹ đau đầu tìm phương án nâng cấp ICBM chiến lược

Tuấn Sơn |

Theo các thông tin được công khai, Lầu Năm góc sẽ chi tới 400 tỷ USD nâng cấp lực lượng hạt nhân chiến lược trong thập kỷ tới và con số này có thể lên tới 1.000 tỷ USD trong 30 năm tới. Giới chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, Mỹ chi ra khoản tiền khổng lồ nâng cấp "bộ ba" tiến công chiến lược là do năng lực của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Mỹ đang thua kém so với Nga và giới chức quân sự Mỹ cũng đang đau đầu với việc chọn phương án "thay máu" lực lượng chiến lược này.

Hiện trạng của lực lượng ICBM của Mỹ

Hiện tại, "bộ ba" hạt nhân chiến lược của Mỹ được xác định là các đơn vị tiến công chiến lược trên bộ, trên không và trên biển. Mỗi thành phần trên đều có những ưu nhược điểm riêng. Học thuyết hạt nhân của Mỹ khẳng định "việc bảo tồn và nâng cao năng lực của "bộ ba" chiến lược là cách tốt nhất để đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân tối ưu về cả chi phí và khả năng kỹ thuật".

Tuy nhiên, thực tế, lực lượng hạt nhân trên bộ mới là thành phần răn đe chính của "bộ ba" hạt nhân của Mỹ.

Mỹ đau đầu tìm phương án nâng cấp ICBM chiến lược - Ảnh 1.

ICBM Minuteman III bảo quản trong giếng phóng của Quân đội Mỹ.

Theo khuôn khổ Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược – START-3 giữa Nga và Mỹ, có hiệu lực từ ngày 5-2-2011, lực lượng hạt nhân trên bộ của Mỹ sẽ duy trì khoảng 450 ICBM với khoảng 560 đầu đạn.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn đối với Mỹ là hầu hết các đơn vị ICBM phiên bản giếng phóng Minuteman III sau 3 thập kỷ sử dụng đang trở lên lạc hậu và tới giai đoạn cuối của vòng đời.

Để phát triển ICBM mới thay thế Minuteman III, Mỹ đang theo đuổi chương trình phát triển vũ khí chiến lược răn đe trên bộ (Ground Based Strategic Deterrent – GBSD). Theo đó, Lầu Năm góc ký thỏa thuận với Northrop Grumman và Boeing phát triển các dòng ICBM mới với mốc thời gian hoàn thành được xác định vào năm 2021.

Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là quá trình phát triển ICBM mới thường khó hoàn thành theo các mốc thời gian cụ thể và xác suất thời gian phát triển chúng bị chậm trễ hoặc kéo dài rất dễ xảy ra. Trong hoàn cảnh đó, các năng lực của ICBM Minuteman III ngày một suy giảm dẫn tới khả năng hạt nhân của Mỹ bị giảm sút.

Mỹ đau đầu tìm phương án nâng cấp ICBM chiến lược - Ảnh 2.

Mô hình ICBM thế hệ mới theo chương trình GBSD.

"Với tiến trình nâng cấp hiện tại, có vẻ như Lầu Năm góc đang chọn đúng hướng. Tuy nhiên, quá trình này lại có quá nhiều nguy cơ. Chỉ cần phát sinh các vấn đề về kỹ thuật hoặc thâm hụt ngân sách, năng lực hạt nhân của Mỹ tới năm 2030 chắc chắn sẽ gặp vấn đề", chuyên gia Todd Harrison thuộc Trung tâm phân tích Chiến lược và tình hình quốc tế Mỹ, đánh giá.

Những phương án nâng cấp lực lượng răn đe chiến lược của Mỹ

Chính vì các vấn đề trên, giới chức quân sự Mỹ đang đau đầu tìm phương án nâng cấp lực lượng răn đe chiến lược với xác suất rủi ro thấp nhất.

Theo đánh giá của chuyên gia T. Harrison, Lầu Năm góc hiện có 4 phương án nâng cấp lực lượng ICBM. Các phương án này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới bộ mặt của lực lượng hạt nhân Mỹ tới năm 2050. Cụ thể:

Mỹ đau đầu tìm phương án nâng cấp ICBM chiến lược - Ảnh 3.

Công nghệ ICBM giếng phóng của Nga đang vượt trội so với phía Mỹ.

1. Loại bỏ hoàn toàn lực lượng hạt nhân trên bộ:

Các đơn vị ICBM trên bộ hiện có của Mỹ sẽ tiếp tục được duy trì cho tới khi hết niên hạn sử dụng và bị loại biên mà không có thêm bất kỳ gói nâng cấp nào. Theo đó, các đơn vị ICBM trên bộ cuối cùng của Mỹ sẽ hoạt động tới năm 2037. Đây là phương án giúp tiết kiệm đáng kể ngân sách quốc phòng cho Mỹ để dành nguồn lực cho các chương trình vũ khí chiến lược mới.

Tuy nhiên, phương án này khó có thể được giới lập pháp Mỹ chấp thuận. Hiện tại, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang coi việc duy trì "bộ ba" hạt nhân là ưu tiên hàng đầu.

"Thật khó có thể tưởng tượng Washington có thể đưa ra quyết định loại bỏ khả năng răn đe hạt nhân trên bộ", Phó Giám đốc báo của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga, Konstantin Makiyenko đánh giá. Theo lời ông này, "bộ ba" hạt nhân của Mỹ sẽ được duy trì bằng mọi giá.

2. Tạm hoãn việc tái trang bị lực lượng hạt nhân chiến lược

ICBM của Mỹ có thể tạm dừng chương trình nâng cấp trong vòng 3-8 năm. Theo cách tiếp cận này, số lượng ICBM của Mỹ tới năm 2030 sẽ giảm xuống 400 đơn vị. Trong thời gian đó, năng lực răn đe hạt nhân của Mỹ sẽ được bù đắp phần nào bằng việc đưa vào trang bị máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider.

Tuy nhiên, phương án này không mang lại hiệu quả tiết kiệm ngân sách quốc phòng đáng kể cho Mỹ. Giới chuyên gia quân sự tính toán, với kho vũ khí hạt nhân hiện tại, chi phí duy trì khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ sẽ tốn kém nhất ở giai đoạn 2020-2030.

Tới năm 2022, chi phí duy trì lực lượng chiến lược sẽ tương đương chi phí phát triển máy bay ném bom B-21 và máy bay tiếp liệu trên không KC-46 cộng lại.

Tuy nhiên, việc tạm dừng các chương trình nâng cấp hạt nhân chiến lược trong ngắn hạn lại giúp giảm bớt các rủi ro thiếu hụt ngân sách do Quân đội Mỹ đang có một loạt chương trình phát triển vũ khí tốn kém như: Máy bay thế hệ 5 F-35, máy bay ném bom tàng hình B-21 và máy bay tiếp liệu trên không KC-46…, cũng như nguy cơ chương trình phát triển ICBM mới bị chậm tiến độ và cần thêm nguồn tài chính.

3. Bảo lưu các đơn vị ICBM cũ

Đây là phương án không nâng cấp các đơn vị ICBM hiện có, nhưng sẽ cố gắng bảo lưu và duy trì khả năng hoạt động của chúng kể cả khi đã hết niên hạn sử dụng. Giới chuyên gia tính toán, sau 30 năm phục vụ, tỷ lệ trục trặc của ICBM Minuteman III khoảng 1%, nhưng sau 33 năm, con số này tăng lên 4% và tiếp tục tăng thêm.

Phương án này, dù tiết kiệm chi phí, nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Trong tình huống, Mỹ phải đáp trả hạt nhân quy mô lớn, sẽ có nhiều ICBM Minuteman III không thể rời giếng phóng.

"3 hoặc 4 đạn ICBM có thể không rời bệ phóng và sau đó có thể là kịch bản tồi tệ của ngày tận thế khi các đầu đạn phát nổ. Chính vì vậy, đây khó có thể là phương án được lựa chọn", chuyên gia T. Harrison nhận định.

4. Kéo dài thời gian phục vụ của ICBM Minuteman III

Theo đó, các đơn vị ICBM Minuteman III sẽ được kiểm tra và nâng cấp 3 năm một lần để kéo dài vòng đời phục vụ. Như vậy, tới năm 2050, Mỹ sẽ vẫn đảm bảo hoạt động của khoảng 400 ICBM loại này.

"Đây là quá trình nâng cấp từng bước. Nó không tạo sức ép lên Lầu Năm góc về việc phát triển ICBM mới khi đang phải thực hiện cùng lúc nhiều chương trình vũ khí mới khác", trang tin Defense News đánh giá.

Điểm quan trọng là phương án này giúp giảm gánh nặng ngân sách quốc phòng Mỹ trong giai đoạn 2020-2030 và Lầu Năm góc có thể tập trung nguồn lực cho các chương trình khác. Tới năm 2050, ICBM Minuteman III vẫn phải thay thế và chương trình phát triển ICBM mới thay thế có thể bắt đầu từ năm 2030.

Tuy nhiên, quyết định cuối cùng chỉ có thể đưa ra vào năm 2021, khi Northrop Grumman và Boeing giới thiệu dòng ICBM mới. Giới chức quân sự Mỹ vẫn đang kỳ vọng vào dòng ICBM mới có thể cân bằng cán cân sức mạnh với phía Nga.

Mỹ đau đầu tìm phương án nâng cấp ICBM chiến lược - Ảnh 4.

Mỹ đau đầu tìm phương án nâng cấp ICBM chiến lược - Ảnh 5.

Các hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ đang vô dụng trước các dòng ICBM Nga.

"Công nghệ ICBM giếng phóng của Mỹ đang thua kém Nga. Quân đội Mỹ hiện chỉ có dòng ICBM Minuteman III trang bị đầu đạn đơn và tương lai được nâng cấp hay thay thế vẫn chưa xác định", chuyên gia K. Makienko đánh giá.

Trong vài thập niên qua, lực lượng ICBM của Nga liên tục được nâng cấp và trang bị mới với các dòng ICBM Sarmat, Yars, Ruzbesh… có khả năng mang nhiều đầu đạn. Ngoài ra, ICBM Nga còn có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương tới các đầu đạn có thể tự cơ động quỹ đạo bay.

"ICBM Nga đang được cải tiến để có khả năng xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương tốt hơn. Với nền tảng công nghệ ICBM hiện tại của Nga, các lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu và Ground-based Midcourse Defence trên lục địa Mỹ đã trở thành đồ vô dụng", chuyên gia K. Makienko nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại