Mỹ đánh giá Việt Nam không thao túng tiền tệ

Thanh Tuấn |

Ngày 3/12 (theo giờ Washington), Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo mới nhất về chính sách kinh tế vĩ mô và tiền tệ của các đối tác thương mại chủ chốt, trong đó kết luận Việt Nam không thao túng tiền tệ.

Mỹ đánh giá Việt Nam không thao túng tiền tệ - Ảnh 1.

Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ ở thủ đô Washington D.C. Ảnh: treasury.gov

Trong bản “Báo cáo Quốc hội về Chính sách hối đoái và kinh tế vĩ mô của các đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ” được công bố trên trang chủ Bộ Tài chính Mỹ, cơ quan này đã đánh giá các chính sách của các đối tác thương mại lớn, chiếm hơn 80% kim ngạch hàng hóa thương mại và dịch vụ của Mỹ, trong bốn quí tính tới tháng 6/2021.

Theo Đạo luật Thương mại và Cạnh tranh Omnibus năm 1988 (Đạo luật 1988), báo cáo kết luận rằng không có đối tác thương mại lớn nào thao túng tỷ giá hối đoái giữa đồng nội tệ của mình với đồng USD của Mỹ nhằm mục đích ngăn cản việc điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả hoặc nhằm giành lợi thế cạnh tranh không công bằng trong hoạt động thương mại quốc tế.

Báo cáo kết luận Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục đáp ứng cả ba tiêu chí theo Đạo luật Xúc tiến và Tăng cường Thương mại năm 2015 (Đạo luật 2015) trong giai đoạn đánh giá, và thực tiễn tiền tệ của 12 nền kinh tế trong diện xem xét. Bộ Tài chính đã tiến hành phân tích tăng cường đối với các chính sách kinh tế vĩ mô và hối đoái của Việt Nam và Đài Loan.

Trong báo cáo tiền tệ 6 tháng đầu năm nói trên, Bộ Tài chính Mỹ cũng cho rằng Việt Nam và Đài Loan đã vượt qua 3 ngưỡng về thặng dư thương mại, tài khoản vãng lai và can thiệp tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, phía Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam và Đài Loan để giải quyết các quan ngại của Washington. Bộ Tài chính Mỹ bày tỏ “hài lòng với tiến bộ mà Việt Nam đạt được tính đến thời điểm này”, trong khi tiếp tục quá trình can dự được khởi động hồi tháng 5 với Đài Loan.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, Thụy Sĩ - quốc gia từng bị chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump gắn nhãn “thao túng tiền tệ” hồi năm 2020 - chỉ vượt 2 trong số 3 tiêu chí nói trên, song Washington sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ các chính sách của Thụy Sĩ thêm 1 năm nữa. Do đó, Bộ Tài chính Mỹ quyết định chuyển Thụy Sĩ vào “Danh sách giám sát”, gồm những đối tác thương mại chủ chốt thuộc diện bị theo dõi chặt chẽ, cùng 11 quốc gia khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ireland, Italy, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mexico.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc không công bố dữ liệu can thiệp ngoại hối và sự thiếu minh bạch về cơ chế tỷ giá hối đoái khiến nước này trở thành ngoại lệ trong số các nền kinh tế lớn và Bộ Tài chính Mỹ sẽ theo dõi chặt chẽ các hoạt động ngoại hối của các ngân hàng nhà nước Trung Quốc.

Mỹ đánh giá Việt Nam không thao túng tiền tệ - Ảnh 2.

Khách hàng giao dịch tại Hội sở Vietcombank. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Hồi tháng 4, Bộ Tài chính Mỹ cũng công bố báo cáo tương tự, trong đó đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ. Động thái này đã đảo ngược quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng 12/2020. Bộ này xác định trong giai đoạn năm 2020, không có đủ bằng chứng, dấu hiệu cho rằng Việt Nam thao túng tiền tệ theo quy định của Đạo luật Cạnh tranh và thương mại quốc tế Omnibus năm 1988.

Trong quá trình làm việc với Bộ Tài chính Mỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thiện chí từ cấp kỹ thuật tới cấp cao, khẳng định việc điều hành tỷ giá những năm qua – trong khuôn khổ chính sách tiền tệ chung - nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp để từng bước nâng cao tính linh hoạt của tỷ giá trong khi vẫn duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường ngoại tệ. Những diễn biến tích cực trên thị trường ngoại tệ cũng như trong hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã được Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, hai bên cùng có lợi, tiến tới quan hệ thương mại hài hoà, bền vững. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

Mỹ

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại