Mỹ: Cường quốc dầu mỏ mới của thế giới?

AB |

Sau nhiều năm thống trị của vùng Trung Đông, Nga và biển Bắc trên thị trường dầu mỏ, giờ đây nước Mỹ đang vươn mình để trở thành ông lớn mới trong cuộc chạy đua khai thác vàng đen. Với tiềm lực của một nền kinh tế hàng đầu toàn cầu, liệu Mỹ có thể thực hiện ước mơ này?

Bài học cho người chơi mới

Các mỏ dầu đá phiến của Mỹ thường khó khai thác, hoặc có thể khai thác nhưng với chi phí cao. Tuy nhiên với công nghệ thủy lực cắt phá (Fracking) mới, ngành dầu mỏ Mỹ hiện đã có thể khai thác với chi phí hợp lý, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra ngoài.

Bởi vậy, không có gì khó hiểu khi Mỹ hiện liên tục gây áp lực lên Iran cũng như Ả Rập Xê Út thời gian gần đây một cách không kiêng dè.

Khi lệnh trừng phạt với xuất khẩu dầu của Iran có hiệu lực vào tháng 11 tới đây, ngành dầu mỏ Mỹ được cho sẽ là những người hưởng lợi lớn nhất khi chiếm bớt thị phần.

Trong khi đó, xung đột về vụ nhà báo Jamal Khashoggi không chỉ đơn thuần là vụ việc chính trị mà còn mang động cơ kinh tế bởi Ả Rập Xê Út coi ngành dầu đá phiến Mỹ là đối thủ.

Với sự hồi phục của giá dầu thời gian gần đây, hàng loạt công ty bắt đầu đổ tiền lại vào thị trường và xây dựng hàng loạt các mỏ khai thác ở Oklahoma, Bắc Dakota…

Tuy nhiên, khu vực bang Texas mới là nơi chiếm tỷ trọng khai thác dầu nhiều nhất với 30% đóng góp cho tổng sản lượng dầu của Mỹ, cao hơn mức 23% cách đây 2 năm.

Mỹ: Cường quốc dầu mỏ mới của thế giới? - Ảnh 1.

Tổ chức năng lượng quốc tế IEA đánh giá sự bùng nổ của khai thác dầu tại Mỹ cũng tương tự như cuộc cách mạng dầu mỏ tại Trung Đông thập niên 1960 hay tại Nga thập niên 1970.

Tuy nhiên những mỏ dầu của Ả Rập hay Nga đã khai thác hàng chục năm và có dấu hiệu xuống dốc, trong khi ngành dầu đá phiến Mỹ lại mới phát triển với công nghệ fracking hoàn toàn mới. Điều này khiến Mỹ nhiều khả năng sẽ thay thế các cường quốc dầu mỏ như Nga hay vùng Trung Đông trên thị trường.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là một trong những nguyên nhân thúc đẩy công nghệ Fracking khi các nhà khai thác dầu muốn tìm kỹ thuật mới có chi phí rẻ hơn.

Do 80% mỏ dầu đá phiến có thể khai thác trong vòng 2 năm trong khi công nghệ Fracking lại có chi phí thấp hơn nhiều cách khoan thường nên các công ty dầu mỏ Mỹ vẫn liên tục khoan dầu bất chấp giá dầu hạ.

Năm 2014, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cảm thấy bị đe dọa từ Mỹ và từ chối cắt giảm sản lượng bất chấp giá dầu hạ nhằm giữ thị phần.

Hệ quả là giá dầu thế giới giảm không phanh từ 115 USD/thùng giữa năm 2014 xuống chỉ còn 29 USD/thùng vào đầu năm 2016. Tất nhiên Mỹ cũng trọng thương khi có tới 71 công ty khai thác tại Texas nộp đơn phá sản từ năm 2015 đến nay.

Mỹ: Cường quốc dầu mỏ mới của thế giới? - Ảnh 2.

Sản lượng dầu mỏ của Mỹ (nghìn thùng/ngày)

Học hỏi từ những kinh nghiệm đau thương, giờ đây khi giá dầu tăng trở lại, các công ty Mỹ đã thận trọng hơn trong vấn đề khai thác, loại bỏ hết những mỏ dầu không hiệu quả và khoan nhiều lỗ trên cùng một mỏ để tiết kiệm chi phí cũng như nâng cao năng suất.

Tuy nhiên con đường thành bá chủ mới của ngành dầu mỏ Mỹ vẫn còn gặp rất nhiều thách thức.

Thách thức

Với mức giá dầu khoảng 80 USD/thùng như hiện nay, ngành dầu mỏ Mỹ hiện không lo về giá mà phải đối mặt với các khó khăn mới.

Đầu tiên hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, đặc biệt là đường ống dẫn dầu của họ không được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày một lớn. Mặc dù chính phủ đã triển khai nhiều dự án đường ống nhưng nhanh nhất cũng phải đến cuối năm 2019 mới đưa được vào sử dụng.

Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến giá thép đi lên, làm chi phí sản xuất, lắp đặt đường ống cũng như các thiết bị khai thác tăng giá theo. Trong khi đó, do nền kinh tế tăng trưởng tốt nên chi phí nhân công tại Mỹ cũng tăng, khiến việc khai thác dầu đá phiến ở đây ngày càng đắt đỏ hơn so với trước.

Mỹ: Cường quốc dầu mỏ mới của thế giới? - Ảnh 3.

Lượng nước và cát sử dụng cho lượng dầu mỏ khai thác tại Mỹ

Bên cạnh đó, số liệu của IHS Markit cho thấy do muốn tăng năng xuất nên các công ty khai thác sử dụng nhiều nước cùng cát hơn gấp đôi so với năm 2014 cho công nghệ Fracking.

Điều này có thể tàn phá môi trường, làm ô nhiễm nguồn đất và nước ngầm, tạo các khoảng không gây động đất, sụt lún cùng nhiều rủi ro khác. Số vụ rung chấn tại Texas từ đầu năm đến nay đã đạt 57 vụ, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Một yếu tố nữa khiến nhiều người lo lắng cơn sốt dầu đá phiến sẽ chấm dứt là việc các mỏ khai thác quá gần nhau, khiến sản lượng giảm sút do kỹ thuật Fracking khoan theo cả chiều ngang. Điều này khiến những công ty khai thác nhỏ lẻ dần sẽ buộc phải đóng cửa do chi phí khoan tăng cao mà năng suất lại đi xuống dần.

Rõ ràng, để trở thành ông lớn mới trong ngành dầu mỏ, Mỹ còn cần phải làm rất nhiều thay vì chỉ dựa dẫm vào mỗi công nghệ mới.

Thủy lực cắt phá (hydraulic fracturing, thường rút ngắn thành fracking) là kỹ thuật khai thác mỏ bằng cách dùng áp suất chất lỏng để làm nứt các tầng đá trong lòng đất.

Đường nứt sẽ chạy theo mạch đất thiên nhiên, khai mở những khoáng chất vốn bị nén chặt trong lòng đất. Bằng cách bơm chất lỏng trộn với một số hóa chất và cát dưới áp suất cao vào giếng mỏ làm nứt vỡ tầng đá, một số địa chất như khí đốt và dầu mỏ có thể bơm lên được.

Kỹ thuật thủy lực cắt phá thường được dùng khai thác ở những vùng đá phiến dầu và khí đốt than để kích thích đất đá nhả và tăng lưu lượng khoáng chất. Thủy lực cắt phá còn có ưu điểm là có thể đâm ngang trong lòng đất thay vì bị hạn chế theo chiều dọc.

Thủy lực cắt phá được dùng từ năm 1947 nhưng lúc đầu chỉ là thí nghiệm, đến năm 1949 mới áp dụng thương mại thành công.

Tính đến năm 2012 có hơn 2,5 triệu vụ khoan mỏ trên thế giới dùng kỹ thuật này để khai thác dầu mỏ và khí đốt. Riêng ở Mỹ có hơn một triệu vụ. Tuy nhiên có nơi như Pháp thì lại cấm dùng kỹ thuật này.

Kỹ thuật thủy lực cắt phá hiện vẫn còn gây tranh cãi. Bên ủng hộ thì cho đây là động lực phát triển kinh tế bằng cách tăng hiệu lực khai thác mỏ và các chất hydrocacbon trong khi những người phản đối thì lo hậu quả tai hại môi sinh, ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm không khí, cạn kiệt nguồn nước ngọt, và còn có thể gây động đất cùng những tác động xấu đến sức khỏe con người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại