Chuyến công du châu Á của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan
Chuyến công du châu Á lần này của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan gồm 4 điểm dừng chân là Indonesia, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Điều này chứng tỏ châu Á vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Chính quyền Tổng thống Donald Trump. Cả 4 điểm dừng chân của ông Sahnahan đều đóng vai trò quan trọng về kinh tế, an ninh quốc phòng, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực gia tăng sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.
Mục đích chuyến thăm Indonesia của ông Shanahan là nhằm thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng an ninh với quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống nhất thế giới, và là một đối tác rất quan trọng của Mỹ trong giải quyết các thách thức, từ an ninh hàng hải cho đến chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Bên cạnh đó, Indonesia cũng chia sẻ quan điểm với Mỹ về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) mà Washington đang nỗ lực thúc đẩy.
Tại Singapore, ông Shanahan sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La, dự kiến diễn ra trong hai ngày 1-2/6, nơi quy tụ 28 bộ trưởng quốc phòng và các bộ trưởng khác, để thảo luận về những thách thức đối với an ninh khu vực. Ông Shanahan cũng sẽ có các cuộc gặp với quan chức nước chủ nhà nhằm củng cố hơn nữa mối quan hệ hơn cả đồng minh giữa Mỹ và Singapore.
Còn hai chặng dừng chân của ông Shanahan tại Hàn Quốc và Nhật Bản, một mặt là nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ với hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Đông Bắc Á nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương nói chung, mặt khác còn nhằm góp phần hàn gắn mối quan hệ đang có dấu hiệu xấu đi giữa Tokyo và Seoul, do những tranh cãi gia tăng về các vấn đề lịch sử và quân sự.
Những điểm mới đáng chú ý trong chiến lược này của Mỹ
Một trong những hoạt động rất được chờ đợi của ông Patrick Shanahan trong chuyến công du lần này là bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore, nơi ông sẽ công bố chiến lược mới của Bộ Quốc phòng Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo chương trình nghị sự Đối thoại Shangri-La 2019 đã được công bố, tại phiên họp toàn thể diễn ra sáng 1/6, ông Shanahan sẽ công bố tầm nhìn mới của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, một sự tiếp nối chính sách “xoay trục” sang châu Á dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Đến thời điểm này, nội dung chiến lược mới vẫn chưa được tiết lộ, song nhiều khả năng không nằm ngoài các vấn đề như tự do hàng hải, thương mại, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và lĩnh vực an ninh liên quan đến địa chính trị. Song như Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Randall Schriver từng tuyên bố vào tháng 4 vừa qua tại Malaysia, chiến lược mới của Mỹ sẽ tập trung đảm bảo không một nước nào có thể thay đổi luật pháp quốc tế hay hiện trạng ở Biển Đông. Đó cũng là lý do Mỹ đang đẩy mạnh các hoạt động tự do hàng hải và các hoạt động hiện diện khác ở Biển Đông.
Việc Mỹ công bố chiến lược mới tại Đối thoại Shangri-la 2019 là nhằm thuyết phục và tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh cũng như đối tác châu Á đối với chính sách an ninh của Washington tại khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược, địa kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng quyết liệt. Hơn nữa, các đồng minh và đối tác trong khu vực cũng tỏ rõ quan ngại trước chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, có nghĩa đang làm cho “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Liên minh Mỹ-Nhật-Hàn?
Hai chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du của ông Shanahan đều là những đồng minh thân thiết của Mỹ trong khu vực. Giới phân tích dự đoán rằng Mỹ đang muốn xúc tiến việc lập liên minh 3 bên với Hàn Quốc và Nhật Bản để tạo mặt trận liên kết đối phó với các lo ngại an ninh chung trong khu vực.
Đúng là các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng từ bấy lâu nay, đó là thiếp lập một liên minh tay ba Mỹ-Nhật-Hàn, nhằm đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh chung, không chỉ tại Đông Bắc Á, mà cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn. Đó không chỉ là vấn đề hạt nhân Triều Tiên và những thách thức từ phía Trung Quốc, mà xa hơn là cách thức xử lý căng thẳng đang xảy ra giữa Mỹ và Iran.
Tuy nhiên, trở ngại chính trong việc hiện thực hóa mục tiêu của Mỹ đó là Hàn Quốc và Nhật Bản không dễ có thể hòa hợp. Các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải luôn cản trở hai nước xích lại gần nhau.
Hai là, với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, Chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn nhất quyết yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc phải chia sẻ kinh phí lớn hơn cho việc duy trì quân đội Mỹ tại hai nước.
Cuối cùng, việc thiết lập một mặt trận chung nhằm đối phó với những thách thức từ Trung Quốc đã khó, song tránh không để xảy ra cuộc đối đầu toàn diện với Bắc Kinh lại càng khó khăn. Hơn nước nào hết, Nhật Bản và Hàn Quốc hiểu rõ những lợi ích kinh tế, thương mại có được từ mối quan hệ “êm dịu” với Trung Quốc. Riêng với Seoul, Bắc Kinh còn là một điểm tựa quan trọng cho nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên./.