Các container hàng hoá tại bến cảng ở Savannah, Georgia, Mỹ tháng 12/2021. Ảnh: AP
Theo đài RT (Nga), tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán mang tính bước ngoặt giữa Mỹ - Nga sắp diễn ra. Các chuyên gia cho rằng biện pháp trừng phạt này - tập trung vào các lĩnh vực tài chính, công nghệ và quân sự - có thể cứng rắn như các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, Cuba và Triều Tiên.
Tháng trước, hãng tin Reuters đưa tin Mỹ đang cân nhắc cấm xuất khẩu các công nghệ tiêu dùng và công nghiệp sang Nga, bao gồm các linh kiện điện thoại thông minh và linh kiện hàng không.
Một số hãng thông tấn Mỹ hôm 8/1 dẫn lời các quan chức chính phủ giấu tên cho biết chi tiết về cách thức áp đặt lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Joe Biden tuỳ thuộc vào mức độ leo thang căng thẳng giữa Nga với Ukraine. Các hãng tin này tuyên bố Mỹ có thể cấm xuất khẩu công nghệ và vi điện tử của Mỹ, chẳng hạn chip máy tính được sản xuất bằng hoặc dựa trên phần mềm của Mỹ, sang Nga.
Một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng cho biết lệnh trừng phạt có thể dẫn tới nhiều hạn chế đối với Nga trong việc vận chuyển các thiết bị điện tử hàng không, linh kiện, điện thoại thông minh, máy chơi trò chơi điện tử video, máy tính bảng, TV.
Trong khi đó, kênh CNN cho rằng các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm các hạn chế đối với việc xuất khẩu các linh kiện ô tô sang Nga. Nguồn tin cho biết mục đích của các biện pháp trừng phạt này là gây ra “những tổn thất nghiêm trọng và rất lớn đối với nền kinh tế của Nga”.
Mỹ và Nga sẽ tổ chức cuộc đàm phán an ninh vào ngày 10/1, nhằm cố gắng xoa dịu căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine đang âm ỉ trong những tháng gần đây. Các bên cũng dự kiến sẽ thảo luận về những bất bình lâu dài của Nga đối với việc liên minh NATO mở rộng thành viên gần biên giới của Nga.
Về phần mình, Nga cho biết những nỗ lực của phương Tây nhằm kéo Ukraine vào “quỹ đạo” của NATO khiến Nga cảm thấy bị đe dọa về an ninh. Nga muốn khối quân sự do Mỹ đứng đầu đưa ra những đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý rằng họ sẽ không mở rộng xa hơn về phía đông, tức là không để Ukraine gia nhập tổ chức. Các cuộc đàm phán giữa Nga và NATO dự kiến diễn ra vào ngày 12/1.