Hôm qua (16/9), giới chức Mỹ thông báo kế hoạch sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào các nhà sản xuất vũ khí quân sự nếu “làm ăn” với Iran, bất chấp việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trước đó đã từ chối đề xuất của Mỹ gia hạn lệnh cấm vũ khí nhằm vào quốc gia Trung Đông này.
Lệnh cấm vũ khí của Liên Hợp Quốc với Iran sẽ hết hạn vào ngày 18/10 tới. Hồi tháng trước, Mỹ trình đề xuất Liên Hợp Quốc gia hạn lệnh cấm này, song không được 13 nước thành viên thường trực và không thường trực Hội đồng Bảo an ủng hộ, trong đó Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu chống.
Tuy nhiên, hôm 16/9, Đặc phái viên Mỹ về Venezuela và Iran, ông Elliott Abrams tuyên bố, những ai vi phạm lệnh cấm vũ khí của Liên Hợp Quốc, sau 18/10 tới, sẽ vẫn bị Mỹ trừng phạt.
Theo đó, những nhà sản xuất vũ khí làm ăn với Iran có thể sẽ bị hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ. Đây chỉ là 1 trong nhiều cách Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt.
Đặc phái viên Mỹ tiết lộ, các lệnh trừng phạt cụ thể hơn sẽ được thông báo vào cuối tuần này hoặc tuần tới và việc này sẽ tác động đáng kể tới các nhà sản xuất vũ khí có ý định hợp tác với Iran.
Vài giờ trước thông báo đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cảnh báo sẽ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran vào tuần tới.
“Chúng tôi từng nói Mỹ bác bỏ việc cho phép Cộng hòa Hồi giáo Iran tiếp cận thị trường vũ khí vào ngày 19/10. Iran vẫn là quốc gia tài trợ khủng bố lớn nhất thế giới và chúng tôi không tin rằng họ có thể buôn bán vũ khí chiến tranh mà không bị trừng phạt.
Chúng tôi không nghĩ điều đó là có thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ quay trở lại áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc để lệnh cấm vận vũ khí vào Iran có hiệu lực vĩnh viễn vào tuần tới. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng điều này là tốt cho tất cả các quốc gia”.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, lệnh cấm vũ khí với Iran là nhằm tạo ra hòa bình cho Trung Đông và khi nước Mỹ tái áp đặt trừng phạt với Iran, quốc gia Hồi giáo này đã mất đi những khoản tiền khổng lồ để tài trợ cho các nhóm dân quân trong khu vực. Do đó, sức ảnh hưởng của Iran trong khu vực đã giảm đáng kể.
Bất chấp những nỗ lực trừng phạt của Mỹ, các nước còn lại của thỏa thuận hạt nhân Iran gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức đều không cho rằng Mỹ có thể tự áp đặt lại các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao tại Hội đồng Bảo an cho biết, việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc mà không được các nước thành viên ủng hộ giống như “phát nổ súng mà không có viên đạn nào bắn ra”.
Các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran sẽ vẫn được gỡ bỏ theo đúng lịch trình và Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ vẫn được duy trì. Tuy nhiên, nguồn tin ngoại giao này cũng cho biết, sẽ vẫn có một số quốc gia theo chân Mỹ tiếp tục áp đặt trừng phạt.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 16/9 khẳng định, Mỹ đã thất bại trong việc gia hạn các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Họ tự áp đặt trừng phạt với Iran và không có quốc gia nào đi theo. Đây là 1 chiến thắng của Iran và thất bại nhục nhã của nước Mỹ.
Nga từng cảnh báo những cố gắng của Mỹ nhằm tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran sẽ thất bại, đồng thời nhấn mạnh, Nga sẵn sàng làm trung gian đàm phán giữa Mỹ và Iran.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng khẳng định, mọi lệnh trừng phạt với Iran đều phải phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, hôm qua Iran đã kêu gọi Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên Hợp Quốc xem xét những nỗ lực của Tehran để lật ngược các lệnh trừng phạt của Mỹ từ trước đến nay liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran.
Theo kế hoạch, Tòa án Công lý Quốc tế (trụ sở tại Hà Lan) trong tuần này sẽ xem xét các lý lẽ của Iran và Mỹ trước khi quyết định xem cơ quan này có thẩm quyền giải quyết vụ việc hay không.
Iran đã kiện Mỹ lên Tòa án Công lý Quốc tế hồi năm 2018 khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời tái áp đặt trừng phạt lên quốc gia này.