Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát biểu trước Quốc hội vào tháng 9-2022 - Ảnh: REUTERS
Hiện nay Triều Tiên được hiểu đã đặt ra một điều kiện tiên quyết trước bất kỳ cuộc đàm phán hạt nhân nào với Mỹ, đó là Triều Tiên phải được công nhận là một quốc gia hạt nhân.
Trong chính sách của Mỹ lâu nay, đây là điều kiện không được chấp nhận khi Washington khẳng định chương trình hạt nhân của Triều Tiên là "phi pháp" và thuộc diện phải chịu trừng phạt từ Liên Hiệp Quốc.
Chính vì vậy, phát ngôn của Thứ trưởng Jenkins tại một hội nghị về hạt nhân tại Washington hôm 27-10 đã gây xôn xao.
Khi được hỏi khi nào Triều Tiên được xem là một vấn đề về kiểm soát vũ khí, bà Jenkins nói: "Nếu họ có trao đổi với chúng tôi… kiểm soát vũ khí sẽ luôn là một lựa chọn nếu hai quốc gia sẵn sàng ngồi xuống nói chuyện với nhau… chúng tôi đã nói rõ với Triều Tiên rằng chúng tôi sẵn sàng đàm phán với họ và chúng tôi không có điều kiện tiên quyết".
Theo Hãng tin Reuters ngày 29-10, khi được hỏi về phát biểu của bà Jenkins, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đáp: "Tôi muốn nói thật rõ về điều này. Không hề có sự thay đổi nào trong chính sách của Mỹ".
Theo ông Price, chính sách của Mỹ vẫn là "phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Ông khẳng định sẽ tiếp tục mở cửa cho con đường ngoại giao cùng Triều Tiên, cố gắng liên lạc với Triều Tiên và cam kết theo đuổi cách tiếp cận ngoại giao và cũng sẵn sàng gặp gỡ mà không kèm theo điều kiện tiên quyết.
Tương tự, cũng tại hội nghị về chính sách hạt nhân một ngày sau đó (28-10), bà Alexandra Bell, quan chức cấp cao về kiểm soát vũ khí ở Bộ Ngoại giao Mỹ, khi được hỏi về việc chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, đã đáp rằng: "Bỏ qua chuyện câu chữ, chúng tôi cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi không chấp nhận Triều Tiên ở trạng thái ấy (quốc gia hạt nhân). Tuy nhiên chúng tôi mong muốn có một cuộc đối thoại với người Triều Tiên".
Tình hình Triều Tiên có dấu hiệu căng thẳng trở lại trong thời gian gần đây. Hôm 28-10, Bình Nhưỡng tiếp tục phóng hai tên lửa đạn đạo sang bờ biển phía đông, bất chấp các cảnh báo đanh thép trước đó của Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc.
Mỹ và hai đồng minh Đông Bắc Á tuần qua từng nhấn mạnh sẽ có sự đáp trả "chưa từng thấy" nếu Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân.
Báo cáo Chiến lược quốc phòng của Lầu Năm Góc công bố hôm 27-10 cũng gây ngạc nhiên khi khẳng định nếu Triều Tiên tấn công hạt nhân Mỹ và đồng minh, điều này sẽ "dẫn tới sự chấm dứt của chế độ ấy".
Cụm "chấm dứt chế độ" được xem rất nhạy cảm trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên, có khả năng đẩy căng thẳng leo thang.