Mỹ càng hăng hái "gióng trống khua chuông", Iran càng phải thờ ơ: Lấy nhu chế cương là thượng sách!

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Nếu ông Trump thật sự tin rằng Mỹ có thể xóa sổ Iran, thì chỉ cần đợi Iran có hành động hoặc dựng lên một cái cớ, chứ không việc gì phải lớn tiếng đe dọa Iran trên Twitter như vậy.

Nói vậy, không nghĩ vậy, không làm vậy

Ở một trong những tweet gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump mạnh lời dọa Iran như chưa từng thấy. Ông Trump ghi trong đó rằng "Nếu Iran chiến thì đấy sẽ là sự kết thúc chính thức của Iran", và ông Trump đe Iran " Đừng bao giờ đe dọa Mỹ lần nữa".

Sự thể hiện thái độ này của ông Trump vào thời điểm căng thẳng và đối đầu giữa Mỹ và Iran tưởng đã leo thang tới tột đỉnh khiến tăng thêm lo ngại về bùng phát xung đột vũ trang hoặc chiến tranh thực thụ giữa hai bên.

Một đồng minh của ông Trump là thượng nghị sỹ Lindsey Graham cũng hăng hái "gióng trống khua chuông" kích động chiến tranh. Ngay trước đó thôi, cả Mỹ và Iran đều quả quyết là không chủ ý phát động chiến tranh.

Thiên hạ cho rằng sự thể hiện thái độ như trên của ông Trump là kết quả tác động của thông tin từ hãng tuyền hình Fox News ở Mỹ cho rằng Iran sắp sửa tấn công vào quân đội Mỹ ở Iraq.

Nếu ông Trump thật sự tin rằng Mỹ có thể xóa sổ Iran, thì chỉ cần đợi Iran có hành động gì đấy mà Mỹ có thể lấy làm cớ hoặc Mỹ dựng luôn cớ để tiến hành "chính thức kết thúc Iran" chứ việc gì phải lớn giọng đại ngôn trên twitter.

Xem ra, lời giải thích ở đây chỉ có thể là ông Trump chủ ý dọa thật mạnh để Iran không có động thái gì khiến ông Trump buộc phải khai hỏa với Iran, tức là nói ra vậy nhưng không nghĩ vậy và cũng không làm vậy.

Suy xét một cách tỉnh táo và khách quan mọi tác nhân liên quan thì có thể thấy phía Mỹ sẽ không chủ động gây chiến tranh với Iran, nhưng lại muốn được công nhận là nhờ áp lực trên mọi phương diện của Mỹ và nhờ quân đội Mỹ đã được triển khai rầm rộ ở vùng Vịnh mà Iran không dám gây chiến tranh với Mỹ.

Đoạn clip được Không quân Mỹ đăng tải trong bối cảnh căng thẳng vùng Vịnh leo thang, được cho là để "dằn mặt" Iran

Mỹ gần như "đơn độc" trong xung đột với Iran?

Iran hiện tại không giống như Grenada hay Panama, Afghanistan hay Iraq đối với Mỹ cả về chính trị nội bộ lẫn tiềm lực kinh tế và quân sự. Ở Iran có bộ phận dân chúng không đồng tình với chính quyền nhưng khi đất nước bị Mỹ đe dọa và gây áp lực như hiện tại thì họ đều ủng hộ chính quyền đối phó Mỹ - không như ở Afghanistan hay Iraq.

Chính sách của Mỹ cấm vận và trừng phạt Iran gây khó khăn lớn cho đất nước này, nhưng chắc chắn không làm cho đất nước này bị khuất phục. Đối với Việt Nam, hay Cuba và cả Iran cho tới trước đây, chính sách này của Mỹ cũng đâu có đưa lại kết quả như Mỹ mong muốn.

Tiềm lực quân sự của Iran lại còn đáng kể và có thể nguy hiểm đối với Mỹ và đồng minh của Mỹ trong khu vực hơn rất nhiều so với Grenada, Panama, Afghanistan hay Iraq.

Khi phát động chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, Mỹ có được sự đồng hành của nhiều đồng minh. Ai trong số ấy không chia sẻ với Mỹ gánh nặng về quân sự và tài chính, thì cũng biểu lộ sự hậu thuẫn chính trị. Ở trường hợp Iran hiện tại, gần như tất cả các đồng minh này đều không ủng hộ Mỹ gây chiến với Iran.

Có 3 nước được coi là như hình với bóng đối với Mỹ trong chuyện này là Israel, Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Nhưng cả ba cũng đều có lý do xác đáng và lợi ích thiết thực với việc không để xảy ra chiến tranh với Iran, cho dù luôn đổ dầu vào ngọn lửa xung khắc giữa Mỹ và Iran.

Họ có thể "hả lòng hả dạ" khi Mỹ chiến tranh với Iran, nhưng trong thực chất thì cũng mất nhiều hơn được. Ông Trump hiện không có được cái gọi là "Liên minh của những bên sẵn sàng" (tham chiến với Mỹ) như người tiền nhiệm là George W. Bush đã có được, trước khi tiến hành cuộc chiến tranh ở Iraq năm 2003.

Israel hiện ở trong tình trạng thuận lợi về địa chiến lược như rất hiếm thấy từ nhiều thế kỷ nay. Liên minh, liên kết với Ai cập và Jordani được củng cố. Quan hệ với các vương triều ở vùng Vịnh được cải thiện. Mỹ đã thiên lệch hẳn về phía Israel trong khi phía Palestine ngày càng thêm suy yếu và phân rẽ. Chiến tranh giữa Mỹ và Iran sẽ làm thay đổi thực trạng này và hủy hoại thành quả về địa chính trị của Israel trong những năm qua.

Ả rập Xê út không phản đối Mỹ và Iran chiến tranh với nhau, nhưng sẽ hết sức tránh để bị lôi kéo can dự vào cuộc chiến. Yemen mấy năm qua đã cho thấy quân đội Ả rập Xê út chỉ đủ mạnh để trấn áp sự nổi dậy của cộng đồng người theo dòng Shiite ở trong nước, chứ không đủ khả năng để tiến hành cuộc chiến tranh thông thường.

Một khi cùng Mỹ chiến tranh với Iran thì Ả rập Xê út không tránh khỏi trở thành chiến trường và khi ấy chẳng có gì để đảm bảo là hoàng quyền ở xứ này tiếp tục ổn định.

Mỹ càng hăng hái gióng trống khua chuông, Iran càng phải thờ ơ: Lấy nhu chế cương là thượng sách! - Ảnh 4.

Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã bị tổn hại ngay khi chiến tranh bùng phát giữa Mỹ và Iran không thôi, chứ chưa nói đến trực tiếp tham gia cuộc chiến.

Không còn xuất khẩu được dầu lửa, Dubai và Abu Dhabi đâu còn được sử dụng là đầu mối giao thương quốc tế nữa - khi vương triều và khu vực trở thành chiến trường.

Đối với Iran, hiện "lấy nhu chế cương" là thượng sách.

Sẵn sàng đối phó và đáp trả Mỹ nhưng không tạo cớ cho Mỹ gây chiến, làm ra vẻ thờ ơ với những phát ngôn hiếu chiến từ phía Mỹ là cách rất thích hợp và hiệu quả gây khó khăn và khó xử cho Mỹ và đồng minh của Mỹ ở khu vực. Lấy sức nhàn đấu sức mỏi cũng chính là đấy.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại