Ảnh minh họa: Reuters
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin, Điện Kremlin hôm 9/3 đã cáo buộc Mỹ "tuyên chiến" với Nga trên mặt trận kinh tế khi gieo rắc hỗn loạn trên thị trường năng lượng, đồng thời thông báo với Washington rằng Moskva đang cân nhắc về đòn đáp trả.
Trước đó, Mỹ đã công bố lệnh cấm vận nhập khẩu năng lượng và dầu mỏ từ Nga.
Nền kinh tế Nga hiện đang đối mặt với với cuộc khủng hoảng nặng nề nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề đối với gần như toàn bộ hệ thống tài chính và doanh nghiệp của Nga vì loạt động thái quân sự của Nga tại Ukraine.
Trả lời báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây là hành động thù địch khiến thị trường toàn cầu chao đảo, và ông cũng nói rằng ông không rõ sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng toàn cầu sẽ còn đi đến đâu.
"[Các lệnh trừng phạt của phương Tây] khiến tình hình trở nên rất khó khăn và buộc chúng tôi phải suy nghĩ nghiêm túc", ông Peskov nói.
Người phát ngôn Điện Kremlin không tiết lộ Nga sẽ tung ra đòn đáp trả như thế nào. Ông cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin trong ngày hôm nay (10/3) sẽ tổ chức cuộc họp với chính phủ về vấn đề giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt.
Loạt đòn trừng phạt, cấm vận của phương Tây và mới đây nhất là đòn giáng vào lĩnh vực năng lượng của Nga đã đã ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa và làm dấy lên bóng ma lạm phát gia tăng trên toàn thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng cái mà ông gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" là điều cần thiết để đảm bảo an ninh của Nga sau khi Mỹ mở rộng liên minh quân sự NATO đến sát biên giới Nga và hỗ trợ các nhà lãnh đạo thân phương Tây ở Kiev.
Trong khi đó, Ukraine cho biết họ đang đấu tranh cho sự tồn tại của mình và Mỹ, cùng các đồng minh châu Âu và châu Á đã lên án hành động của Nga.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã kêu gọi các bên kiềm chế. Tuy nhiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt sẽ khiến nền kinh tế giảm tốc.
Khi được đề nghị trả lời về bình luận nói trên của Điện Kremlin, Phó cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Daleep Singh cho biết: "Chúng tôi đã nói từ đầu - nếu Nga tiếp tục leo thang hành động, thì cái giá họ phải trả cũng vậy."
Ông Singh nói: "Tôi sẽ không gọi đó là một cuộc chiến tranh kinh tế. Đây là cách chúng tôi thể hiện quyết tâm".
Đầu tuần này, Nga đã cảnh cáo Mỹ rằng giá dầu có thể lên tới hơn 300 USD/thùng nếu Washington và các đồng minh EU cấm nhập khẩu dầu thô Nga. Giá dầu Brent đã tăng lên 139 USD hôm 7/3, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Nga cho biết châu Âu tiêu thụ khoảng 500 triệu tấn dầu mỗi năm. Trong đó, Nga cung cấp khoảng 30%, tương đương 150 triệu tấn, cũng như 80 triệu tấn sản phẩm hóa dầu.
Nói về việc Mỹ ban lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, ông Peskov khẳng định Nga đã, đang và sẽ là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.
Tuy nhiên, ông Peskov nói rằng Nga sẽ suy nghĩ nghiêm túc về đòn đáp trả trước tình hình hiện tại. "Nga sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình", người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định./.