Tại Hội nghị trực tuyến Đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Mỹ về Covid-19 ngày 23/4, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đã có bài phát biểu quan trọng về việc Mỹ và ASEAN hợp tác nhằm đẩy lùi Covid-19, xây dựng khả năng hồi phục bền vững và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trong bài phát biểu, ông Pompeo khẳng định, các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là đối tác chiến lược lâu dài khi chúng ta ứng phó với đại dịch COVID-19 và lên kế hoạch phục hồi kinh tế.
Ngoại trưởng Mỹ gửi lời cảm ơn các đối tác ASEAN vì sự hỗ trợ quý giá trong việc đẩy mạnh cung cấp các thiết bị y tế quan trọng cho Mỹ cũng như hỗ trợ các chuyến bay hồi hương công dân Mỹ. Ví dụ, Việt Nam đã hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục thông quan cho các chuyến bay nguyên chuyến vận chuyển 2,2 triệu bộ quần áo bảo hộ cá nhân sang Mỹ.
Ông Pompeo cũng cho biết, Mỹ trông đợi thêm các chuyến hàng vận chuyển các thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) trong những tuần sắp tới. Ngoài ra, kể từ đầu tháng 4, Malaysia đã hỗ trợ đẩy nhanh việc vận chuyển hơn 1,3 triệu kilogram găng tay cho các nhân viên y tế Mỹ. Campuchia đã hỗ trợ công dân Mỹ trở về nhà an toàn từ tàu du lịch Westerdam.
Ngoại trưởng Mỹ khẳng định, mỹ tiếp tục hỗ trợ một cách hào phóng cho các quốc gia ASEAN để giúp các quốc gia này ứng phó với đại dịch COVID-19. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước thực hiện việc chia sẻ thông tin đầy đủ và minh bạch. Sự minh bạch giúp chúng ta cứu được nhiều mạng sống; sự kiểm soát thông tin khiến nhiều mạng sống bị đe dọa.
Trong cuộc họp trực tuyến giữa các ngoại ngoại trưởng của Mỹ và các nước ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ cũng công bố Sáng kiến Tương lai Y tế Mỹ-ASEAN nhằm tăng cường nỗ lực giữa 2 bên trong lĩnh vực an ninh y tế thông qua nghiên cứu, y tế cộng đồng và đào tạo thế hệ cán bộ y tế kế tiếp tại ASEAN. Đến nay, Mỹ đã chi hơn 35,3 triệu USD cho các khoản tài trợ y tế khẩn cấp để giúp các nước ASEAN ứng phó với virus, nối tiếp các khoản tài trợ cho y tế cộng đồng với tổng giá trị 3,5 tỷ USD dành cho toàn ASEAN trong hai mươi năm qua.
Ngoài vấn đề ứng phó với đại dịch Covid-19, ông Pompeo cũng đề cập đến những mối đe dọa lâu dài đối với an ninh chung. Thực tế, những mối đe dọa đó đã trở nên rõ ràng hơn.
Cụ thể, ông Pompeo cho rằng, Bắc Kinh đã có bước đi tận dụng yếu tố gây mất tập trung, từ việc đơn phương thông báo về các đơn vị hành chính tại các đảo và khu vực hàng hải có tranh chấp, việc đâm chìm một tàu cá Việt Nam vào đầu tháng này, và các "trạm nghiên cứu" trên Đá Chữ Thập và Đá Subi.
Trung Quốc tiếp tục điều động lực lượng dân quân biển tới khu vực quần đảo Trường Sa, và mới đây nhất, Trung Quốc đã điều một đội tàu gồm tàu khảo sát năng lượng với mục đích duy nhất là đe dọa các bên tuyên bố chủ quyền khác trong việc tham gia phát triển dầu khí ngoài khơi.
"Mỹ mạnh mẽ phản đối hành vi bắt nạt của Trung Quốc và chúng tôi hy vọng các quốc gia khác cũng sẽ buộc họ chịu trách nhiệm", Ngoại trưởng Mỹ nói.
Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ sự lo ngại về một báo cáo khoa học cho thấy việc Bắc Kinh vận hành các đập ở phía thượng nguồn đã đơn phương biến đổi dòng chảy của sông Mekong, khiến các nước trong khu vực sông Mekong mất đi nguồn nước đáng kể trong nhiều năm, và trong mùa khô gần đây nhất đã gây ra hệ quả to lớn đối với 60 triệu người sống phụ thuộc vào dòng sông này về thực phẩm, năng lượng và giao thông.