Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Mỹ. Ảnh: US Navy
Theo đài RT, ba người phải rời vị trí trên tàu ngầm gồm Hạm trưởng Cameron Aljilani, Hạm phó Patrick Cashin và kỹ thuật viên trưởng phụ trách hệ thống sonar Cory Rodgers.
Thông báo ngày 4/11 của Phó Đô đốc Karl Thomas, chỉ huy Hạm đội 7, cho biết những người trên bị cách chức chỉ huy tàu ngầm vì làm mất niềm tin. Ông Thomas xác định rằng lẽ ra có thể ngăn chặn được sự cố nếu ban chỉ huy tàu ngầm đánh giá tình hình, quyết định và tuân thủ quy trình một cách thận trọng theo yêu cầu khi lập kế hoạch điều hướng, quản lý rủi ro và điều hành nhóm quan sát.
Tàu ngầm USS Connecticut là tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh SSN-22 lớp Seawolf. Tàu này đang hoạt động ở Biển Đông ngày 2/10 thì va phải một vật thể và phải trở về căn cứ Guam để đánh giá thiệt hại. Vật thể về sau được xác định là núi ngầm dưới biển.
Lò hạt nhân trên tàu ngầm không bị ảnh hưởng. Tàu ngầm vẫn đang ở Guam để hoàn tất đánh giá thiệt hại và sau đó sẽ tới xưởng tàu ở Bremerton, Washington để sửa chữa.
Sau thông tin của Mỹ, giới chức và truyền thông Trung Quốc cho rằng lời giải thích của Mỹ là không thỏa đáng, chưa thật lòng trong việc cung cấp thông tin đầy đủ về vụ việc này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 2/11, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho rằng Mỹ có ý lẩn tránh cung cấp thông tin về vụ việc mà ông cho là “thiếu minh bạch và thiếu trách nhiệm” của Mỹ.
Ông yêu cầu Washington phải giải thích mục đích chuyến đi của tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut, địa điểm xảy ra tai nạn cũng như các câu hỏi khác về khả năng xuất hiện rò rỉ phóng xạ, hủy hoại môi trường.
Cùng ngày, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng Mỹ đang nói dối về nguyên nhân vụ và cấp độ của vụ tai nạn. Mỹ có thể đang tìm cách che giấu về một vụ rò rỉ phóng xạ. Việc Mỹ điều máy bay dò phóng xạ tới Biển Đông gần đây cho thấy Mỹ có thể nắm được khả năng này.