Theo báo Anh The Guardian, vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Bình Nhưỡng sáng ngày 9/9 là sự xác nhận cho những lo ngại ngày càng gia tăng về các hoạt động hạt nhân của Triều Tiên, và nó chứng tỏ Kim Jong Un đang xây dựng một kho vũ khí mà mục đích là để phòng khi chính quyền của ông bị đe dọa.
Cách đây 2 năm, nhiều người vẫn nghĩ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên chủ yếu mang tính biểu tượng chính trị, là một "tấm thẻ bài" để nước này mặc cả đổi lấy lợi ích về kinh tế và ngoại giao.
Thế nhưng, thời gian qua đã chứng kiến một bước tiến lớn của Triều Tiên về hạt nhân và tên lửa, tới mức mà không ít chuyên gia tin rằng các nhà khoa học nước này đã phát triển được một đầu nổ hạt nhân đủ nhỏ để lắp vào tên lửa.
"Nhiều khả năng Triều Tiên hiện nay đạt tới điểm có thể đặt một đầu nổ hạt nhân lên tên lửa tầm trung hoặc tầm ngắn mà có thể bắn tới Hàn Quốc, Nhật Bản và các cơ sở quân sự của Mỹ trong khu vực", Guardian dẫn lời Kelsey Davenport, Giám đốc phụ trách Chính sách không phổ biến hạt nhân thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí.
Tuy nhiên, bà Davenpor cho rằng, phải một thập niên nữa Bình Nhưỡng mới có thể phát triển được một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn tới Mỹ.
Vụ thử hạt nhân sáng ngày 9/9 tiếp nối một loạt các bước đột phá về tên lửa của Triều Tiên. Hồi tháng 8, nước này phóng thử từ tàu ngầm một tên lửa hai giai đoạn dùng nhiên liệu rắn. Ngày 5/9, Bình Nhưỡng cho phóng 3 tên lửa Scup có tầm bắn 1.000km.
"Tất cả những hoạt động đó là nhằm gia tăng quy mô kho hạt nhân và mở rộng các lựa chọn phóng bắn vũ khí của Triều Tiên. Quốc gia này đang có những bước cải thiện chất lượng tên lửa, sử dụng nhiên liệu rắn để có thể triển khai nhanh hơn, và nối dài tầm bắn".
"Đường đạn chứng tỏ một mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên ngày càng lớn và chính quyền tiếp theo của Mỹ sẽ phải coi trọng hàng đầu mối đe dọa đó", bà Davenport bình luận.
Theo các chuyên gia, những tiến bộ mà Triều Tiên đã đạt được trong chương trình hạt nhân đang khiến cho chính quyền tiếp theo của Mỹ thu hẹp cơ hội. Rốt cuộc, Washington sẽ buộc phải trở lại bàn đàm phán mặc dù cái giá để đảm bảo Triều Tiên vẫn ở trong tầm kiểm soát có thể đắt hơn nhiều.