Không có Tuân Úc, sẽ không có Tào Tháo
Những bài trước chúng ta đã nói đến, Lưu Bị gặp được Gia Cát Lượng giống như cá gặp được nước, một phần là vì Gia Cát Lượng rất tài giỏi, một phần là vì nhờ có Gia Cát Lượng lôi kéo nhân tài ở Kinh Châu, khiến đa phần nhân sĩ đều theo phe Lưu Bị.
Tuân Úc đầu quân về phe Tào Tháo, cũng giống như thế, nhưng còn xuất sắc hơn cả Gia Cát Lượng, còn quyết định được xu hướng của cả thời Tam quốc.
Bởi vì nơi Tuân Úc ở là Dĩnh Châu, là cái nôi nhân tài nổi tiếng nhất thời Tam quốc, lớn nhất phải kể đến bốn dòng họ: Tuân, Hàn, Chung và Trần.
Họ Tuân là dòng họ tài giỏi nhất. Trong năm vị mưu sĩ lớn thời kỳ đầu của Tào Tháo thì đã có đến hai vị họ Tuân là Tuân Úc và Tuân Du, lại có thêm Quách Gia ở Dĩnh Châu là có đến ba vị.
Mà Tuân Du và Quách Gia chính là do Tuân Úc tiến cử với Tào Tháo. Hơn thế, Tuân Úc còn tiến cử các vị như Hí Chí Tài, Chung Do, Tư Mã Ý, Trần Quần….
Chỉ nhìn vài cái tên phía trên cũng đủ khiến người khác kinh ngạc chứ chưa cần nhắc tới đằng sau họ là thế lực, tài lực, vật lực và tầm ảnh hưởng ra sao.
Có được lực lượng như thế này, chẳng phải sẽ giúp thế lực của Tào Tháo tăng lên gấp bội hay sao?
Vì vậy mới nói, không có Tuân Úc cũng sẽ chẳng có Tào Tháo, điều này không hề quá chút nào. Phía trên chỉ mới nhắc đến những nhân tài mà chưa đề cập đến những trợ giúp cụ thể của Tuân Úc với Tào Tháo.
Dưới đây xin liệt kê ra ba điều:
Thứ nhất, "phụng thiên tử dĩ lệnh chư hầu" chính là chủ ý của Tuân Úc. Chỉ bằng kế này đã giúp Tào Tháo trở thành nhân vật đại diện cho nhà Hán, lần nữa giúp thế lực của Tào Tháo lớn mạnh lên nhiều lần.
Hình ảnh nhân vật Tào Tháo trên phim.
Thứ hai, thời kỳ đầu Tào Tháo có thể đánh đâu thắng đó, diệt Viên Thiệu, dẹp Ô Hoàn, ai có công lớn nhất? Mọi người đều nói là Quách Gia, nhưng Tuân Úc mới là người mang tính quyết định.
Ví dụ như trong trận Quan Độ, khi hai quân giằng co, Tào Tháo bấy giờ gấp không chịu được, bèn viết thư gửi Tuân Úc, hỏi chuyện có nên dẫn binh quay về.
Tuân Úc viết thư cho Tào Tháo rằng: "Ngài khó, Viên Thiệu cũng khó, như nay là đã đến giới hạn rồi, sẽ mau chóng có chuyển biến thôi". Quả nhiên, như lời ông nói, Hứa Du đến đầu quân, đưa quân đến cướp lương thảo ở Ô Sào, quân Viên Thiệu sụp đổ.
Thứ ba là mỗi khi Tào Tháo xuất chinh, tại sao lại để Tuân Úc trấn thủ hậu phương? Bởi vì chỉ có Tuân Úc mới có khả năng làm chủ tình thế, cân bằng các thế lực trong triều đình, vận chuyển lương thảo… Còn người khác, thì không có khả năng đó. Chính vì thế, thay vì nói Tuân Úc là quân sư của Tào Tháo thì nên nói Tuân Úc chính là bạn đồng hành cùng Tào Tháo.
Thực tế cũng đúng như thế, suốt một thời gian dài, tập đoàn Tào Tháo hình thành hai thế lực, Tào Tháo cầm quân có các tướng họ Tào cùng họ Hạ Hầu, còn Tuân Úc dẫn đầu nhóm quan văn (lo chuyện nội chính), hai bên coi trọng lẫn nhau, tuy có tranh chấp nhưng cũng hợp tác rất thành công. Nhờ vậy mới có được một Tào Tháo đánh đâu thắng đó, chứ không phải chỉ dựa vào mình Quách Gia.
Tuân Úc không chết, Tào Tháo không dám xưng vương
Cùng với những thành công của Tào Tháo, quan hệ tương hỗ giữa Tào Tháo và Tuân Úc cũng dần thay đổi.
Với Tuân Úc, Tào Tháo có thể làm Thừa tướng? Có thể được, bởi dẫu sao cũng là Thừa tướng Đại Hán.
Tào Tháo giết quý phi, chèn ép Hán Hiến Đế? Có thể nhẫn nại. Hoàng thất nhà Hán quá yếu rồi, vừa có "tướng quân ngang ngược, tàn ác" Lương Ký hạ độc chết Hoàng thượng, lại có Đổng Trác mưu lợi cá nhân, ích kỷ phế vua, nhưng cuối cùng thiên hạ vẫn của dòng họ Lưu, triều đình vẫn có thể tiếp tục vận hành như cũ.
Đây cũng chính là giới hạn mà Tuân Úc có thể chấp nhận, bởi vì Tào Tháo thực sự có công lớn với nhà Hán, cho nên có thể làm Tiêu Hà, đây là điều tốt nhất.
Nếu là Tiêu Hà không được thì làm Hoắc Quang cũng được. Đến những kẻ ngang ngược tàn ác như Lương Ký, Đổng Trác muốn thay Hoàng đế, Tuân Úc tôi cũng đã thấy rồi, chỉ cần thiên hạ này vẫn do nhà Hán hiệu triệu, ban lệnh, thì hai chúng ta vẫn có thể hợp tác.
Nhưng nếu Tào Tháo muốn làm Ngụy Vương? Xin lỗi! Rường cột triều đình nhà Hán không có vị trí này. Bầu trời không thể có hai mặt trời, nào có triều đình nào vừa có cả Hoàng đế lại có cả Vương, đây là đạo lý gì? Thử hỏi khắp thiên hạ châu, phủ, quận này xem, họ nghe lệnh ai?
Chính vì thế, Tuân Úc hết sức phản đối, ngăn cản chuyện Tào Tháo xưng vương.
Tào Tháo tức giận, Tuân Úc ngươi vẫn coi Tào Tháo ta là "Thái thú Đông quận" như lần đầu gặp hay sao? Nhà Hán mà ngươi nói ở đâu? Hai phần ba thiên hạ này là do một tay Tào Tháo ta bình định, nếu ta còn không làm như thế, thì chính ta cũng sẽ bị hiện thực ép đến bã cũng chẳng còn.
Lý tưởng của ông, cùng hiện thực của ta trái ngược nhau, lại muốn ta rút lui, có thể sao? Nếu đã như thế, vậy ta tặng ông chiếc hộp rỗng này, nhắc nhở ông rằng: "Bổng lộc nhà Hán hết rồi, đừng có tiếp tục nằm mơ giữa ban ngày nữa!"
Năm ấy, Công nguyên năm 212, Tuân Úc đã 50 tuổi, trước mặt là chiếc hộp rỗng Tào Tháo ban tặng. Không lâu sau, một trận hỏa hoạn lớn nổi lên. Trận lửa này, điều Tuân Úc đốt đi không chỉ là "Cơ mật Tam quốc" mà còn cả lý tưởng, điều ông theo đuổi của đời của bản thân, không lưu lại chút gì cho Tào Tháo.
Sau khi Tuân Úc chết, Tào Tháo như ý nguyện đăng cơ xưng vương. Nhưng lại bị Tư Mã Ý, Trần Quần những người do Tuân Úc tiến cử đề bạt phản đối. Nhưng chẳng bao lâu sau những người này cũng bước lên sân khấu của lịch sử, thậm chí còn định đoạt cả hướng đi lẫn kết thúc của thời Tam quốc.
Chính vì thế, nhìn từ góc độ này, Tuân Úc mới chính là vị quân sư thực sự định đoạt hướng đi thời Tam quốc, so với Gia Cát Lượng, Tuân Úc còn tài giỏi hơn nhiều.
*Theo quan điểm của Sohu (Trung Quốc)